Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum vừa ban hành Văn bản số 2260/UBND-KGVX ngày 15/7/2022 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Theo đó, thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống dịch và tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Bộ Y tế tại Văn bản số 3631/BYT-DP ngày 08 tháng 7 năm 2022, Văn bản số 3652/BYT-DP ngày 10 tháng 7 năm 2022 và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Văn bản số 2948-CV/VPTU ngày 04 tháng 7 năm 2022; nhằm tiếp tục chủ động và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, kiên quyết không để xảy ra gánh nặng kép do dịch chồng dịch trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ
Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh về chủ động phòng, chống dịch bệnh; triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu. Phát động Chiến dịch tiêm chủng trong các lực lượng cán bộ, chiến sỹ, quân nhân, công nhân viên chức, người lao động, đi đầu, gương mẫu trong việc tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các đơn vị liên quan nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phối hợp với ngành Y tế trong việc phòng, chống bệnh SXHD, tay chân miệng, sởi, ho gà… không chủ quan, lơ là đối với nguy cơ dịch bệnh; luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng phương án, kịch bản cụ thể; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện phòng, chống dịch bệnh tại các cơ quan, đơn vị.
Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các Chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt lăng quăng/bọ gậy trên địa bàn (các đơn vị triển khai thực hiện ngay trong tháng 7) và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Vận động toàn thể người dân cùng tham gia.
2. Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông,Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Ủy ban nhân các huyện, thành phốngoài việc triển khai các nhiệm vụ đã nêu tại mục 1 Văn bản này, yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Sở Y tế
Tiếp tục đẩy mạnh, triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực ngành Y tế; đồng thời rà soát, cập nhật, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Trung ươnng; tổ chức tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 để đánh giá rút kinh nghiệm, trong đó chú trọng động viên, tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác y tế.
Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, hoàn thành tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022, mũi 4 cho các đối tượng cần tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tổ chức các chiến dịch tiêm vắc xin tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế và tiếp tục vận động người dân tham gia tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên thực hiện lấy mẫu giải trình tự gen các trường hợp có biểu hiện bất thường để phát hiện sớm các biến thể mới nguy hiểm của vi rút SARS-CoV-2.
Chỉ đạo các cơ sở điều trị thực hiện tốt việc thu dung, phân tuyến; tổ chức công tác cấp cứu, năng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; có kế hoạch phân tuyến, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải bệnh viện. Triển khai giám sát, hướng dẫn Chiến dịch vệ sinh môi trường tại các địa phương, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch, khu vực có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trên cơ sở chỉ định dịch tễ, điều tra véc tơ.
Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở. Nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở; có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế, hỗ trợ công tác phòng chống dịch, đặc biệt trong trường học. Quan tâm triển khai các hình thức động viên, khen thưởng đối với đội ngũ nhân viên y tế và mạng lưới cộng tác viên tham gia tư vấn, giám sát, điều trị, chăm sóc người bệnh tại y tế cơ sở, các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bảo đảm đầy đủ thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch và khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 2200/UBND-KGVX ngày 15 tháng 7 năm 2022.
Thực hiện đúng chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Bộ Y tế. Rà soát, báo cáo trường hợp tử vong do SXHD (bao gồm cả các trường hợp nặng tiên lượng không qua khỏi được gia đình xin về) trên hệ thống báo cáo trực tuyến, tránh thống kê sót các trường hợp tử vong.
Theo thẩm quyền tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và hỗ trợ các địa phương, đơn vị giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch bệnh.
Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với ngành Y tế tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch đến tận hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình…
Tổ chức các chiến dịch truyền thông, tuyên truyền về diệt lăng quăng/bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh đẻ trứng và phát triển để phòng, chống dịch bệnh.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về tiêm vắc xin, lợi ích, hiệu quả của vắc xin; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”; cảnh báo về các biến thể mới của Omicron; hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19.
Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ động phối hợp với ngành Y tế để tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng chống bệnh SXHD, COVID-19 trong trường học. Phát động tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ mũi 3, mũi 4 cho giáo viên và tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi. Tuyên truyền cho học sinh về lợi ích của việc tiêm chủng đồng thời hướng dẫn cho giáo viên vận động phụ huynh đưa con em đi tiêm phòng COVID-19. Tổ chức định kỳ tổng vệ sinh, khử khuẩn môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy tại trường học. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
Sở Tài chính: Trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định kịp thời bổ sung kinh phí theo đề xuất của Sở Y tế và các đơn vị liên quan để đảm bảo nhu cầu đáp ứng phòng, chống dịch bệnh; sẵn sàng cơ số thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, dịch truyền cao phân tử, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn phù hợp, tiết kiệm, tránh lãng phí.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
Huy động các đơn vị, đoàn thể, đặc biệt các lực lượng cán bộ tại các thôn, làng, tổ dân phố và cộng đồng tham gia các hoạt động phòng chống dịch; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ.
Triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXHD, tay chân miệng, sởi, ho gà… trên địa bàn như: Giao trách nhiệm cụ thể cho Ủy ban nhân dân cấp xã có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội triển khai Chiến dịch Vệ sinh môi trường - diệt lăng quăng/bọ gậy đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy theo hướng dẫn của ngành Y tế và Cam kết phòng, chống SXHD với Ủy ban nhân dân tỉnh.
Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng, đảm bảo chỉ tiêu theo cam kết; thực hiện “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người dân; vận động người dân tham gia tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
LVT