Ngày 04 tháng 8 năm 2021, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 2715/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác thông tin tình hình dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, thực hiện Văn bản số 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 23 tháng 7 năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về COVID-19 trên mạng; Văn bản số 6289/BYT-KCB ngày 04 tháng 8 năm 2021 của Bộ Y tế về việc chủ động công bố thông tin dịch bệnh COVID-19 trên phương tiện truyền thông đại chúng; xét đề xuất của Sở Thông tin và Truyền thông tại Văn bản số 1331/STTTT-TTBCXB ngày 30 tháng 7 năm 2021, Sở Y tế tại Văn bản số 3548/SYT-TCHC ngày 03 tháng 8 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Thực hiện nghiêm túc công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định. Người phát ngôn của các cơ quan, địa phương phải chủ động, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh theo chức năng, nhiệm vụ; tuân thủ kỷ luật và thống nhất về nội dung phát ngôn.
Quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị mình thực hiện nghiêm quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Văn bản số 1631/BTTTT-CBC ngày 20/5/2021, Bộ Y tế tại Văn bản số 4191/BYT-TT-KT ngày 21/5/2021, các văn bản chỉ đạo của tỉnh: Văn bản số 613/UBND-KTTH ngày 22/02/2021, Văn bản số 584/UBND-KGVX ngày 17/02/2021 của UBND tỉnh, Văn bản số 388/UBND-KGVX ngày 31/01/2021, Kế hoạch số 2536/KH-BCĐ ngày 24/7/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Văn bản số 525-CV/BTG ngày 20/7/2021 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; không đưa các báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp của tỉnh, báo cáo về phòng, chống dịch COVID-19 của cơ quan, đơn vị chức năng gửi cơ quan cấp trên lên mạng xã hội (trừ các văn bản cần công bố rộng rãi như: Công điện, thông báo, thông cáo báo chí, văn bản đề nghị hỗ trợ đăng phát thông tin, thông báo tìm người đến địa chỉ có nguy cơ dịch tễ…).
Khi cơ quan, địa phương xảy ra sự việc đột xuất, sự cố bất thường liên quan đến tình hình phòng, chống dịch bệnh, chậm nhất sau 02 giờ, kể từ khi phát sinh sự việc nên cung cấp thông tin ban đầu cho báo chí, trong đó nêu rõ quan điểm chỉ đạo và giải pháp xử lý bước đầu sự việc (nếu có).
Tăng cường nắm bắt thông tin trên báo chí, mạng xã hội phản ánh các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của cơ quan, địa phương; kịp thời thẩm tra, xử lý và báo cáo theo Chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 4312/UBND-KGVX ngày 17/11/2020 về tăng cường công tác thẩm tra, xử lý vấn đề báo chí phản ánh, dư luận xã hội quan tâm, kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông). Khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại cơ quan, địa phương, báo cáo vụ việc cho Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh để kịp thời xác minh, xử lý theo quy định.
Chỉ đạo các lực lượng trực thuộc tham gia phòng, chống dịch thực hiện nghiêm và đúng các quy định của cấp có thẩm quyền, có thái độ đúng mực với người dân, tránh gây bức xúc, bất bình, làm nóng vấn đề, phát tán các thông tin bất lợi lên báo chí, mạng xã hội, ảnh hưởng đến quá trình thực thi các biện pháp phòng, chống dịch của địa phương.
2. Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh
Tiếp tục thực hiện nghiêm quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế và các Văn bản chỉ đạo của tỉnh có liên quan.
Chủ động công bố số ca mắc mới, ca đang điều trị, ca khỏi bệnh, ca tử vong trong ngày và cộng dồn từ đầu dịch qua cổng thông tin chính thức Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương. Thời điểm công bố 02 lần/ngày: 6 giờ và 18 giờ.
Tiếp tục thực hiện đầy đủ trách nhiệm thống kê, báo cáo gửi về Bộ Y tế theo các văn bản của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống Covid-19 và của Bộ Y tế để kịp thời tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia, Văn phòng Chính phủ, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
Hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan báo chí, truyền thông bám sát chỉ đạo, định hướng tuyên truyền của Trung ương và địa phương; kịp thời phản bác luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, làm nổi bật mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.
Xử lý nghiêm các các nhân, tổ chức đăng tải, phát tán tin giả, tin sai sự thật, gây hoang mang, hiểu lầm về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan để thẩm định nguồn tin, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật. Trong trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an để có biện pháp xử lý.
4. Các cơ quan báo chí địa phương
Tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19, chú trọng phản ánh việc các cơ quan chức năng cảnh báo và xử lý tin giả, tin sai sự thật về COVID-19.
Bám sát chỉ đạo, định hướng tuyên truyền của Trung ương và địa phương vể công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; phản ánh trung thực, khách quan, tích cực về nỗ lực của các cấp, ngành thực hiện phòng, chống dịch bảo vệ sức khỏe nhân dân; chủ động phản bác luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.