banner
Thứ 4, ngày 20 tháng 11 năm 2024
Kết quả thực hiện Chương trình hành động đột phá trong nông nghiệp
19-3-2020

Thực hiện Kế hoạch số 115/KH-TCĐ, ngày 23/7/2019 của Tổ chỉ đạo thực hiện lĩnh vực đột phá trong nông nghiệp theo Quyết định số 630/QĐ-UBND, ngày 24/6/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc sửa đổi, bổ sung Chương trình hành động triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác gắn với xây dựng liên kết chuỗi giá trị và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo khoản 1 Điều 1 Quyết định số 31/QĐ-UBND của UBND tỉnh Kon Tum, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, đến nay đạt được một số kết quả chủ yếu sau:

Về quản lý chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh Kon Tum

Sở Khoa học và Công nghệ đã tuyên truyền, phổ biến Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Kon Tum được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 636/QĐ-UBND ngày 22/6/2018 và Quyết định số 932/QĐ-UBND ngày 07/9/2018 để các tổ chức, cá nhân trong tỉnh biết, thực hiện. Đồng thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Cuộc thi thiết kế logo chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”, qua đó lựa chọn một số mẫu thiết kế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

Về Nhãn hiệu chứng nhận Sâm Ngọc Linh Kon Tum

Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện dự án “Đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum” (Dự án do Công ty TNHH Nghiên cứu, Ứng dụng và Quản lý khoa học công nghệ Trí tuệ Việt Nam thực hiện, thời gian thực hiện dự án từ tháng 5/2018 đến tháng 5/2019). Đến nay dự án cơ bản đã hoàn thành các nội dung theo hợp đồng, chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ nộp Cục Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, hồ sơ còn thiếu mẫu Nhãn hiệu (do đang chờ ý kiến của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Logo chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” và Nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum) để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đăng ký.

Xây dựng hệ thống quản lý cho các dược liệu khác

Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho các dược liệu tỉnh Kon Tum” (Gồm: (1)Đảng sâm Kon Tum; (2) Đương quy Kon Tum; (3)Ngũ vị tử Kon Tum; (4) Lan kim tuyến Kon Tum; (5) Nghệ vàng Kon Tum; (6) Đinh lăng Kon Tum; (7) Sa nhân tím Kon Tum; (8) Ý dĩ Kon Tum; (9) Nấm linh chi Kon Tum”. Đến nay, dự án đã xây dựng được Bản đồ vùng mang Nhãn hiệu chứng nhận cho 09 sản phẩm dược liệu tỉnh Kon Tum; Xây dựng Dự thảo các Quy chế Quản lý và sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm dược liệu tỉnh Kon Tum; Tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện các Quy chế Quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các dược liệu tỉnh Kon Tum; Phân tích chỉ tiêu chất lượng của 09 sản phẩm: Đảng sâm, Lan Kim tuyến, Đương quy, Ngũ vị tử, Đinh lăng, Sa nhân tím, Y dĩ và Nấm linh chi, Nghệ vàng; Thiết kế 09 mẫu Nhãn hiệu chứng nhận dược liệu để đăng ký xác lập quyền.

Xây dựng Chương trình phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum và các công cụ quản lý (như: đăng ký sở hữu trí tuệ, mã vạch,…)

Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Chương trình phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum. Triển khai hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký mã vạch cho các sản phẩm Sâm Ngọc Linh và dược liệu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gồm Công ty Vingin, Công ty Cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thái Hòa, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Dược liệu Kon Tum, Hợp tác xã Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông, Công ty Cổ phần KORA Group. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Kon Tumvới các nhiệm vụ chủ yếu là: Xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; Nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc; Thiết lập, xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá. 

Đặt hàng nghiên cứu sâu về sự thích nghi, tính chất, chất lượng, công dụng của Sâm Ngọc Linh Kon Tum

Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu triển khai 02 nhiệm vụ: (1) Khảo sát thành phần hóa học, xây dựng quy trình định lượng saponin trên thân, lá Sâm Ngọc Linh làm cơ sở khoa học cho các sản phẩm ứng dụng; (2) Nghiên cứu phòng trừ sâu bệnh trên cây Sâm Ngọc Linh, kết quả bước đầu đã triển khai một số biện pháp phòng trừ có hiệu quả sâu bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt danh mục dự án xây dựng sản phẩm quốc gia Sâm Ngọc Linh trong đó, có các nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ trồng, chăm sóc, chế biến Sâm Ngọc Linh được giao cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai, gồm có 03 hợp phần dự án có liên quan như: (1) Hoàn thiện các giải pháp trong sản xuất cây giống từ hạt và trồng sâm Ngọc Linh ở quy mô công nghiệp; (2) Hoàn thiện quy trình sản xuất cây giống Sâm Ngọc Linh trong vườn ươm thông minh phục vụ sản xuất tại tỉnh Kon Tum; (3) Hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch, sơ chế, bảo quản Sâm Ngọc Linh ở quy mô công nghiệp. Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức triển khai các dự án nêu trên để ứng dụng trong sản xuất.

Xây dựng danh mục các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ về nghiên cứu, chọn tạo giống dược liệu mới phục vụ sản xuất dược liệu phổ biến trong khám chữa bệnh, có chất lượng, giá trị kinh tế cao

Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan đề xuất, đặt hàng triển khai 03 nhiệm vụ nghiên cứu, khảo nghiệm và xây dựng mô hình nhân giống, trồng một số giống dược liệu mới trên địa bàn tỉnh với 5 giống mới: Giảo cổ lam, Độc hoạt, Xuyên khung, Mật nhân, Ba kích (trong đó có 02 nhiệm vụ do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, Viện Dược liệu triển khai thực hiện); 01 nhiệm vụ do Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học và Công nghệ thực hiện[1]. Ngoài ra, trong năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai 02 nhiệm vụ: Ứng dụng Khoa học và Công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu trên địa bàn tỉnh (Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Ngũ vị tử, lan kim tuyến, Sa nhân tím, Đương quy, cốt toái bổ, Sâm cau; Cây Bảy lá một hoa; Cây Ba kích và cây Sơn Tra); tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung danh mục dược liệu với 17 loài dược liệu mới[2] (ngoài 10 loài dược liệu đã được xác định trong Đề án đầu tư và phát triển dược liệu của tỉnh) để triển khai nghiên cứu, chọn tạo giống phục vụ sản xuất trong khám chữa bệnh.

Hợp tác về khoa học và công nghệ

Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ký kết chương trình hợp tác trong hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực với Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ cơ khí - tự động hóa, khoa học xã hội và nhân văn, môi trường. Phối hợp với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh trong các lĩnh vực thủy sản, dược liệu[3].

Về hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp mua “sáng chế - bản quyền”, nhập khẩu công nghệ để ứng dụng phát triển sản xuất, nâng cao trình độ và mở rộng sản xuất

Sở Khoa học và Công nghệ đã gửi văn bản cho các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh khảo sát nhu cầu mua sáng chế bản quyền, nhập khẩu công nghệ của các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp để ứng dụng phát triển sản xuất, nâng cao trình độ và mở rộng sản xuất của đơn vị. Căn cứ đề xuất nhu cầu của các đơn vị, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tổng hợp và tổ chức tư vấn hỗ trợ theo quy định.

Hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí công nhận cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai hướng dẫn các nội dung và chính sách hỗ trợ thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ. Trong đó, hướng dẫn cho các tổ chức, cơ sở đáp ứng các điều kiện thành lập cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định tại Thông tư 27/2013/TT-BKHCN ngày 17/12/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ làm hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao để được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định tại Điều 22, Luật Công nghệ cao ngày 13/11/2018.

Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác về chính sách hỗ trợ, cho vay của quỹ phát triển khoa học và công nghệ; các chương trình khoa học và công nghệ của Trung ương (như chương trình phát triển nông thôn - miền núi; chương trình nông thôn mới...). Kết quả đến nay, Quỹ khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đã cho doanh nghiệp vay để thực hiện dự án về phát triển dược liệu (dự án: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây hoa lan Kim tuyến tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) với số tiền 500 triệu đồng, thời hạn vay 3 năm./.

Hồng Vân



[1]- 02 dự án do Bộ KH&CN quản lý, bao gồm: (1) Dự án: Xây dựng mô hình nhân giống, trồng và sơ chế biến Giảo cổ lam (Gynostemma pentaphyllum (Thunb.) Makino) và Độc hoạt (Angelica pubescens Ait.) theo GACP nhằm tạo vùng nguyên liệu cho sản xuất thuốc tại tỉnh Kon Tum”; (2) Khảo nghiệm và hoàn thiện quy trình sản xuất giống cây dược liệu Xuyên khung (Ligusticum wallichii Franch.). 01 Nhiệm vụ KH&CN do Sở KH&CN quản lý: Trồng thử nghiệm cây mật nhân, ba kích trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

[2] Các loài dược liệu mới gồm: Độc hoạt, Giảo cổ lam, Bách bệnh, Bảy lá một hoa, Diệp hạ châu, Sâm cau, Gấc, Vàng đắng, Nhân trần, Dây khỉ, Ba kích, Sơn tra, Cốt toái bổ, Thạch hộc tía, Hà thủ ô, Cẩu tích, Kê huyết đằng

[3] Các đề tài: Xây dựng quy  trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá niên (Onvchostoma gerlachi, W.K.H. Peters, 1881) trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; Khảo sát thành phần hóa học, xây dựng qui trình định lượng saponin trên thân, lá Sâm Ngọc Linh làm cơ sở khoa học cho các sản phẩm ứng dụng; Hoàn thiện quy trình chiết xuất dịch chiết từ Đảng sâm, nấm Đông trùng hạ thảo và đề xuất các sản phẩm ứng dụng trong chế biến.

Số lượt xem:907

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔNG TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kon Tum - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Giám đốc Trung tâm.
Địa chỉ: 88 Hai Bà Trưng – phường Quyết Thắng – tp Kon Tum – tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862890Email: trungtamnuockt@gmail.com.

76934 Tổng số người truy cập: 238 Số người online:
TNC Phát triển: