banner
Thứ 4, ngày 20 tháng 11 năm 2024
Kết luận phiên họp Ban Chỉ đạo về Chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum về kết quả triển khai xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020
17-3-2020

Ngày 06 tháng 3 năm 2020, Ban chỉ đạo về Chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum (sau đây viết tắt là Ban chỉ đạo) tổ chức họp đánh giá kết quả triển khai xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020 dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Thị Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo.

Sau khi nghe Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo đánh giá kết quả triển khai xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh năm 2019, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2020, các ý kiến phát biểu tại cuộc họp; sau khi báo cáo xin ý kiến của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Trưởng ban Ban chỉ đạo, Ban chỉ đạo thống nhất đánh giá và kết luận:

Năm 2019,Ban chỉ đạo về xây dựng Chính quyền điện tử các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử và đã đạt được nhiều kết quả khá quan trọng, như: Đã hoàn thiện và ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum, phiên bản 1.0; một số chỉ tiêu xác định trong giai đoạn 2019-2020 theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ([1]) đạt và vượt kế hoạch; phần mềm Quản lý văn bản và điều hành VNPT – Ioffice, Cổng Dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống Thông tin điện tử một cửa tỉnh (VNPT-iGate) được triển khai đồng bộ ở ba cấp tỉnh, huyện, xã và kết nối, liên thông, tích hợp với các hệ thống (Trục liên thông văn bản, Cổng dịch công) của quốc gia, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian giải quyết công việc hành chính của cơ quan hành chính các cấp và doanh nghiệp, người dân. Các Sở, ban, ngành đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương, các đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) để triển khai các hệ thống phần mềm ứng dụng đem lại hiệu quả trên các lĩnh vực như: giáo dục, y tế, nông nghiệp, Bảo hiểm xã hội tỉnh .... Kết quả trên, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai xây dựng Chính quyền điện tử chưa đáp ứng được kỳ vọng, mong muốn của lãnh đạo tỉnh trong xây dựng Chính quyền điện tử; người đứng đầu các cấp, các ngành chưa chú trọng, quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử, nhất là vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về CNTT chưa được phát huy; nhiều nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 của Ban chỉ đạo triển khai chậm và chưa hoàn thành (như: Cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum, phiên bản 2.0; Trục kết nối chia sẻ dữ liệu của tỉnh; xử lý Dự án Đầu tư xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 -2020 ...); hạ tầng, thiết bị về CNTT cũng như việc ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thiếu đồng bộ, tập trung nhưng chưa được rà soát, đánh giá để có giải pháp triển khai hiệu quả, tránh lãng phí; công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin chưa được quan tâm đúng mức,…

Năm 2020 là năm thứ hai triển khai Nghị quyết 52-NQ/TW, ngày 27 tháng 9 năm 2919 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Mục tiêu, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo trong năm 2020 là tiếp tục hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử của tỉnh; tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính quyền điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Nhiệm vụ trọng tâm Ban chỉ đạo chỉ đạo triển khai trong năm 2020:

* Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử của tỉnh:

-Cập nhật, ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 2.0; ban hành mô hình tham chiếu về kết nối mạng của tỉnh; ban hành quy chế, qui định về quản lý đường truyền số liệu chuyên dùng, quản lý các dịch vụ ứng dụng CNTT, giao dịch điện tử, quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu theo qui định của pháp luật;

- Xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT và đề xuất danh mục dự án đầu tư ứng dụng CNTT giai đoạn 2021-2025, đồng thời ưu tiên bố trí nguồn vốn đảm bảo cho việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử trong giai đoạn 2021-2025;

- Tiếp tục rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo Chính quyền điện tử các cấp, các ngành; tạo kênh thông tin kết nối thông qua các ứng dụng giữa Ban chỉ đạo Chính quyền điện tử cấp tỉnh với Ban chỉ đạo các ngành, các cấp để thông tin kịp thời việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử; điều chuyển nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chính quyền điện tử tỉnh từ Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh về Sở Thông tin và Truyền thông.

* Xây dựng, hoàn thiện các hệ thống tạo nền tảng Chính quyền điện tử:

- Tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng và phát triển các nền tảng Chính quyền điện tử phù hợp với Kiến trúc Chính quyền điện tử được cập nhật, trong đó tập trung: (i) Xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu điện tử tỉnh; xây dựng Trục kết nối chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh, tạo nền tảng kết nối thông suốt, liên kết, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống phần mềm từ tỉnh đến xã/phường, đảm bảo liên thông với các Bộ, ngành Trung ương; (ii) Xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC), gắn với triển khai thí điểm dịch vụ Đô thị thông minh theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; (iii) Xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành cấp tỉnh, kết nối Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ,…;

- Tiếp tục hoàn thiện và phát huy hiệu quả sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng CNTT đã và đang đầu tư như: Quản lý văn bản và điều hành VNPT – Ioffice; Cổng Dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống Thông tin điện tử một cửa tỉnh; Phần mềm quản lý cán bộ công chức; Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh; các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng CNTT đã được các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả … Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai thêm một số sản phẩm, dịch vụ ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý, điều hành của tỉnh trong một số lĩnh vực như môi trường, đất đai, an toàn giao thông, y tế, giáo dục…;

- Đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thanh toán trực tuyến trên địa bàn tỉnh, nhất là dịch vụ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính, thuế, thu phạt vi phạm hành chính trên Cổng dịch vụ công của tỉnh;

- Triển khai đánh giá thực trạng hạ tầng, trang thiết bị và hệ thống các sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng CNTT để có giải pháp triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và thống nhất danh mục các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng CNTT dùng chung, đảm bảo tính đồng bộ, tập trung, thống nhất trong phạm vi toàn tỉnh, tránh lãng phí nguồn lực do đầu tư thiếu đồng bộ;

* Bảo đảm an ninh, an toàn thông tin:

- Tăng cường triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin; Thường xuyên rà soát, đánh giá việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin thuộc trách nhiệm quản lý để kịp thời khắc phục các lổ hỏng, nguy cơ mất an toàn thông tin, cơ sở dữ liệu;

- Khi xây dựng, triển khai các dự án đầu tư ứng dụng CNTT phải có cấu phần phù hợp cho giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, giải pháp phòng, chống mã độc. Ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp, dịch vụ của doanh nghiệp trong nước đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh mạng theo qui định của pháp luật đối với các hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên, các hệ thống thông tin phục vụ Chính quyền điện tử.

Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ nói trên, Ban Chỉ đạo giao:

* Các thành viên Ban chỉ đạo; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Tập trung rà soát, chỉ đạo cơ quan, đơn vị mình quản lý triển khai thực hiện kịp thời các nhiệm vụ đã được xác định tại Kế hoạch số 1102/KH-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2019 phù hợp với Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh, phiên bản 2.0 (sau khi được cập nhật, ban hành) đảm bảo đúng hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương gắn với việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ; Phối hợp với cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh giao chủ trì triển khai các hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiến độ, hiệu quả; Nâng cao hiệu quả ứng dụng các hệ thống CNTT đã triển khai và các phần mềm dùng chung của ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh việc ứng dụng chữ ký số ở các đơn vị, địa phương; nâng cao tỷ lệ trao đổi văn bản qua môi trường mạng, đặc biệt là cấp huyện, xã; Thủ trưởng các sở, ban ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố là đầu mối chỉ huy thống nhất, chịu trách nhiệm tổ chức triển khai xây dựng Chính quyền điện tử tại sở, ban ngành, địa phương mình; Ban chỉ đạo về Chính quyền điện tử tỉnh không làm thay nhiệm vụ của của các ngành, địa phương.

* Sở Thông tin và Truyền thông: Nâng cao vai trò, trách nhiệm là cơ quan chuyên môn, tham mưu các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Chính quyền điện tử nói chung và ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh nói riêng; Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh, phiên bản 2.0; triển khai các nhiệm vụ xây dựng các hệ thống, sản phẩm, dịch vụ ứng dụng CTTT đã được thống nhất chủ trương; Rà soát việc triển khai dự án Dự án Đầu tư xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020 để đề xuất xử lý dứt điểm các tồn tại liên quan đến dự án này, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh (hoàn thành trong tháng 3 năm 2020); Chủ trì xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT và đề xuất danh mục dự án đầu tư ứng dụng CNTT giai đoạn 2021-2025 để làm cơ sở bố trí nguồn lực triển khai thực hiện.

* Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý dứt điểm Dự án Đầu tư xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020 ngay sau khi có báo cáo đề xuất của Sở Thông tin và Truyền thông; tổng hợp, đề xuất danh mục dự án đầu tư ứng dụng CNTT giai đoạn 2021-2025 trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

* Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí, quản lý, sử dụng kinh phí năm 2020 và các năm tiếp theo kịp thời, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh.

* Công an tỉnh tham mưu Ban chỉ đạo 135 của tỉnh và các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát, kiểm tra công tác bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh. Kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm luật an ninh mạng theo qui định của pháp luật.

* Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh: Tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo và hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo, Chương trình công tác năm 2020, trình Trưởng ban Ban chỉ đạo ban hành trước ngày 20 tháng 3 năm 2020; Tham mưu quyết định điều chỉnh cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo từ Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh sang Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 20 tháng 3 năm 2020; Tập trung xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin báo cáo, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành cấp tỉnh, kết nối Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ trong tháng 6 năm 2020; Chủ trì, phối hợp VNPT Kon Tum và các đơn vị liên quan đề xuất triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC); hoàn thành, đưa vào vận hành trước 31 tháng 8 năm 2020 và đăng ký danh mục công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025;

Giao Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo về Chính quyền điện tử tỉnh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nội dung, công việc tại kết luận này, định kỳ hằng quí báo cáo Ban chỉ đạo, Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện./.

Hồng Vân



[1] Kế hoạch số 1102/KH-UBND ngày 10/5/2019 Kế hoạch triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử tỉnh giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025.

Số lượt xem:777

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔNG TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kon Tum - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Giám đốc Trung tâm.
Địa chỉ: 88 Hai Bà Trưng – phường Quyết Thắng – tp Kon Tum – tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862890Email: trungtamnuockt@gmail.com.

76934 Tổng số người truy cập: 228 Số người online:
TNC Phát triển: