Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum có hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh xây dựng và áp dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc (Thuộc Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2020-2025). Để giúp các doanh nghiệp trong tỉnh hiểu rõ hơn về truy xuất nguồn gốc, bài viết sau giới thiệu các nguyên tắc truy xuất nguồn gốc và quy trình xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa tại doanh nghiệp.
Truy xuất nguồn gốc (traceability) là hoạt động giám sát, xác định được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh. Thông qua việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, người tiêu dùng biết được chất lượng sản phẩm mà nhà cung cấp muốn gửi tới khách hàng một cách cụ thể nhất. Truy xuất nguồn gốc hàng hóa giúp doanh nghiệp bảo vệ sản phẩm cũng như hình ảnh của doanh nghiệp.
4 nguyên tắc chung của truy xuất nguồn gốc
1. Một bước trước – một bước sau: Để bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm.
2. Sẵn có của phần tử dữ liệu chính: Các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong các báo cáo thông tin chi tiết về các sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng.
3: Minh bạch: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất.
4. Có sự tham gia đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có sự tham gia của đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc của tổ chức.
Quy trình xây dựng hệ thống truy xuất hàng hóa
Bước 1: Tiến hành khảo sát: Về quy mô sản xuất sản phẩm từ khâu mua nguyên vật liệu cho đến nơi chế biến, vận chuyển và khi sản phẩm hoàn thiện ra thị trường. Nhà cung cấp giải pháp sẽ theo dõi sát sao từng quá trình, công đoạn để hình thành sản phẩm để đảm bảo những thông tin cung cấp tới khách hàng được chính xác và cụ thể nhất.
Bước 2: Tiến hành lên quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Sao cho phù hợp với quá trình hoạt động và các quy chuẩn của doanh nghiệp, đảm bảo khi truy xuất, người tiêu dùng sẽ biết được từng công đoạn, từng thời điểm của quá trình hình thành, chế biến và phân phối.
Bước 3: Xây dựng biểu mẫu truy xuất nguồn gốc: Giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhập thông tin sản xuất, nguyên liệu vật liệu sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm… Dựa vào biểu mẫu này, nhà cung cấp giải pháp sẽ xây dựng sao cho phù hợp với đặc thù của sản phẩm.
Bước 4: Nhà cung cấp thiết lập hệ thống phần mềm: Theo đúng yêu cầu của mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh để người dùng dễ thực hiện cũng như thể hiện đầy đủ thông tin mà doanh nghiệp muốn gửi tới khách hàng.
Bước 5: Đào tạo sử dụng hệ thống phần mềm: Khi sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc hàng hóa, người dùng sẽ được hướng dẫn, đào tạo sử dụng hệ thống phần mềm để có thể dễ dàng tiếp cận cũng như sử dụng.
Bước 6: Triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc: Khách hàng tiến hành truy xuất nguồn gốc thông qua hệ thống phần mềm đã xây dựng. Trong quá trình sử dụng, người dùng sẽ liên hệ trực tiếp với tư vấn viên để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Các doanh nghiệp của tỉnh Kon Tum nếu có nhu cầu hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, đề nghị liên hệ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum (qua Phòng Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà B, Khu Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum (Phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Điện thoại: 02603.862.518 để được hướng dẫn.
Hồng Vân