Nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung, doanh nghiệp khoa học và công nghệ nói riêng phát triển, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Chương trình/Đề án quốc gia về phát triển khoa học và công nghệ.
1. Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 (Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31/12/2010 của Thủ tướng chính phủ);
Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 tập trung vào việc hình thành, phát triển sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh cao.
Các sản phẩm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bao gồm 6 nhóm sản phẩm chính thức: (1) Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao; (2) Sản phẩm thiết bị siêu trường, siêu trọng; (3) Sản phẩm bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin; (4) Sản phẩm động cơ sử dụng cho phương tiện giao thông vận tải; (5) Sản phẩm vắc-xin phòng bệnh cho người và vật nuôi của Việt Nam; (6) Sản phẩm phục vụ an ninh và quốc phòng; và 3 nhóm sản phẩm dự bị: (1) Sản phẩm cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn; (2) Các sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu; (3) Sản phẩm vi mạch điện tử.
Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 gồm 03 nội dung chính:
- Nghiên cứu và phát triển các sản phẩm quốc gia, bao gồm các hoạt động: triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tìm kiếm, nhập khẩu, nghiên cứu giải mã công nghệ; hợp tác quốc tế, trao đổi chuyên gia;
- Sản xuất thử nghiệm sản phẩm quốc gia, hình thành doanh nghiệp đi tiên phong sản xuất sản phẩm quốc gia, bao gồm các hoạt động: nghiên cứu hoàn thiện công nghệ; chuyển giao công nghệ; sản xuất ở quy mô thử nghiệm; phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ sản xuất sản phẩm quốc gia;
- Thương mại hóa sản phẩm và phát triển thị trường, hình thành ngành kinh tế - kỹ thuật dựa trên sản phẩm quốc gia.
2. Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 (Quyết định 2457/QĐ-TTg ngày 31/12/2010 của Thủ tướng chính phủ);
Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 có mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ và tạo ra công nghệ cao; ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; sản xuất sản phẩm, hình thành doanh nghiệp và phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao; xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.
Chương trình tập trung vào các nội dung sau:
- Nghiên cứu, làm chủ, phát triển và tạo ra được các công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên phát triển (bao gồm 58 công nghệ, 114 sản phẩm, theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ);
- Xây dựng và triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên phát triển vào các ngành, lĩnh vực;
- Xây dựng và triển khai các dự án, nhiệm vụ để hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao;
- Triển khai các nhiệm vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao, phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, thu hút các chuyên gia có trình độ cao ở trong nước và ngoài nước tham gia Chương trình.
Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 gồm 03 Chương trình thành phần:
- Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
- Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao;
- Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao.
3. Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 (Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày10/5/2011 của Thủ tướng chính phủ);
Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 tập trung phát triển về số lượng và chất lượng của doanh nghiệp, nhân lực quản lý doanh nghiệp trong việc thực hiện đổi mới công nghệ, làm chủ và tạo ra công nghệ tiên tiến.
Các nội dung chính của Chương trình:
- Xây dựng và thực hiện lộ trình nâng cao năng lực công nghệ quốc gia, bao gồm các hoạt động chính: xây dựng bản đồ công nghệ quốc gia và lộ trình đổi mới công nghệ đối với một số lĩnh vực sản xuất ưu tiên; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ; tổ chức đào tạo về quản lý, quản trị công nghệ...
- Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, khai thác cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp để sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ, bao gồm các hoạt động: ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ và chuyên gia công nghệ; nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm; ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
- Tăng cường nguồn lực cho đổi mới công nghệ vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
4. Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Quyết định số 592/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1381/QĐ-TTg ngày 12/07/2016 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 592/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ);
Chương trình có mục tiêu: Tạo cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Hỗ trợ chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ.
Các nội dung chính của Chương trình:
- Khảo sát phân loại các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN có tiềm lực hình thành doanh nghiệp KH&CN;
- Hỗ trợ hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN;
- Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN;
- Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về việc thành lập quản lý điều hành hoạt động của doanh nghiệp KH&CN;
- Hỗ trợ tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm.
5. Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về khoa học và công nghệ đến năm 2020 (Quyết định 538/QĐ-TTg ngày 16/4/2014 của Thủ tướng chính phủ);
Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về khoa học công nghệ đến năm 2020 hướng đến mục tiêu nâng cao khả năng phối hợp, tiếp thu, làm chủ các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, sáng tạo ra công nghệ mới, góp phần phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ với giá trị gia tăng cao.
Chương trình tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu có tính chất chiến lược, lâu dài về khoa học và công nghệ;
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu về các vấn đề quan trọng, cấp thiết; các nhiệm vụ phục vụ các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia và trọng điểm quốc gia;
- Tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu quốc tế, các dự án đầu tư khoa học và công nghệ trên thế giới và trong khu vực, tập trung vào các nội dung khoa học và công nghệ Việt Nam quan tâm, có nhu cầu cấp thiết;
- Phát triển các tổ chức, tập thể nghiên cứu mạnh, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, gắn với hợp tác nghiên cứu quốc tế, định hướng giải quyết các vấn đề về khoa học và công nghệ, kinh tế - kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hoặc của quốc tế gắn với Việt Nam.
6. Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020 (Quyết định số 1069/QĐ-TTg ngày 04/07/2014 của Thủ tướng Chính phủ).
Mục tiêu của Chương trình là tìm kiếm, đánh giá, tư vấn và chuyển giao công nghệ tiên tiến trên thế giới, phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam. Đến năm 2020, phấn đấu đạt 60% số công nghệ do mạng lưới chuyên gia tìm kiếm công nghệ giới thiệu về Việt Nam được chuyển giao và ứng dụng.
7. Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng chính phủ)
Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” có mục tiêu tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Các nội dung chính của Đề án:
- Xây dựng Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia
- Xây dựng Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại các Bộ, ngành, địa phương có tiềm năng phát triển hoạt động khởi nghiệp
- Tổ chức sự kiện Ngày hội khởi nghiệp công nghệ quốc gia với quy mô quốc tế
- Tiếp tục triển khai Đề án Thương mại hóa công nghệ với quy mô dự án KH&CN cấp quốc gia đến năm 2020
- Phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
- Phát triển cơ sở vật chất-kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
- Hỗ trợ xây dựng chương trình truyền thông về hoạt động khởi nghiệp
- Kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm của Việt Nam với khu vực và thế giới
- Giới thiệu đối tác, nhà đầu tư, hỗ trợ thủ tục nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước tiếp cận thị trường nước ngoài
- Hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ, thử nghiệm thị trường, đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hy vọng với những chính sách ưu đãi từ các Chương trình/Đề án nói trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển./.
Hồng Vân