banner
Thứ 2, ngày 18 tháng 11 năm 2024
Bàn giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển KH&CN vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên
24-6-2019
Chú trọng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất, đời sống; Hầu hết các địa phương đã hình thành được các khu, cụm, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và đã cho kết quả khá tốt. Nhiều sản phẩm chủ lực đã thực sự được khẳng định và có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh nói riêng và vùng nói chung; Hệ thống tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN ngày càng được tăng lên cả về số và chất lượng. Nhiều tổ chức KH&CN đã thực hiện tự chủ về nguồn lực chi thường xuyên; đã có trên 500 doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ trực tiếp của nhà nước cả về tư vấn cũng như tài chính trong giai đoạn 2017 - 2019;...
 

Đó là những kết quả ấn tượng của hoạt động KH&CN vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Thông tin được đưa ra tại Hội nghị giao ban KH&CN vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ XV diễn ra chiều ngày 21/6, tại Đà Nẵng dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng.

Toàn cảnh Hội nghị.

Nhiều kết quả ấn tượng

Theo kết quả tổng hợp từ Sở KH&CN các tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, trong hai năm qua hoạt động KH&CN đã đạt được rất nhiều kết quả rất tích cực. Hoạt động nghiên cứu ứng dụng tiếp tục được quan tâm chú trọng hơn cả về nội dung, quy mô triển khai. Hầu hết các địa phương đều đã hình thành được các khu, cụm, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và đã cho kết quả khá tốt. Đến nay, các địa phương đều đã xác định được danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, đặc thù để đề ra chương trình phát triển và chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, theo đó đã ưu tiên dành nguồn lực cho việc nghiên cứu ứng dụng và hoàn thiện quy trình, tiêu chí về chất lượng trong sản xuất tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao. Nhiều sản phẩm chủ lực đã thực sự được khẳng định và có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh nói riêng và vùng nói chung. Ví dụ như việc nghiên cứu tuyển chọn giống sắn ngắn ngày và kỹ thuật thâm canh, rải vụ nhằm phục vụ cho việc phát triển cây sắn bền vững ở tỉnh Phú Yên đã đưa giống sắn KM - 419 có năng suất vượt trội trên 35-55 tấn/ha, chất lượng bột 28-31%; tại Ninh Thuận, việc nghiên cứu xây dựng và chuyển giao quy trình thâm canh giống nho mới NH01-152 theo hướng ViệtGAP đã cho quả to, trung bình từ 5,8-6,5 g/quả, khối lượng chùm lớn, trung bình đạt 615-650 g/chùm, năng suất thực thu đạt 15,1 – 17,2 tấn/ha. Hay tại Khánh Hòa, việc nghiên cứu quy trình sản xuất sản phẩm dịch chiết cô đặc giàu hoạt tính chống oxy hóa từ yến sào Khánh Hòa đã tạo được dòng sản phẩm giá trị gia tăng có chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu. Và tại Đắk Lắkviệc phát triển chuỗi giá trị xoài trên địa bàn huyện biên giới Ea Súp đã tạo được sản phẩm đủ tiêu chuẩn cung cấp cho các hệ thống siêu thị và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Tại Đắk Nông, nhờ hoàn thiện quy trình sản xuất Piperine và tích hợp công nghệ thu tinh dầu trong quá trình chế biến tiêu trắng đã tận thu được nguồn phụ phẩm là vỏ hạt tiêu sau khi loại thải trong quy trình chế biến tiêu trắng để thu hồi piperine. Tại Gia Lai, việc xây dựng mô hình trồng và sơ chế chuối rừng tại huyện Chư Păh đã góp phần giúp người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập…

Các Sở KH&CN vùng Nam Trung Bộ và vùng Tây Nguyên đã ký kết được Biên bản thỏa thuận về hợp tác, liên kết hoạt động quản lý và phát triển KH&CN giai đoạn 2017-2019, hoạt động liên kết trong triển khai nhiệm vụ KH&CN được quan tâm và đã có những kết quả bước đầu. Giai đoạn 2017-2019, đã xây dựng được danh mục 17 nhiệm vụ KH&CN liên kết vùng phục vụ phát triển KT-XH Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tiếp tục được tăng cường, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất, người tiêu dùng. Các tỉnh, thành phố đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định phương tiện đo lường thuộc danh mục phải kiểm định.

Các địa phương đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ kết hợp với hoạt động hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ trong công tác đăng ký bảo vệ tài sản trí tuệ; các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp đã quan tâm xác lập, bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ. Giai đoạn 2017-2019, có 2.480 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam; số văn bằng bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp tại Việt Nam là 866, số được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp tại Việt Nam là 312. Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý và cơ quan thực thi bảo vệ quyền SHTT được triển khai thường xuyên và có bước chuyển biến tích cực.

Đề xuất nhiều giải pháp phát triển KH&CN tại địa phương

Với tinh thần làm việc thẳng thắn và nghiêm túc, các đại biểu tham dự Hội nghị đã bàn và trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động KH&CN của Vùng như phát triển sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị; các vấn đề liên quan đến thanh tra; hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ;...

Đại diện Sở KH&CN Quảng Ngãi cho biết, với chủ trương hiện nay doanh nghiệp là lực lượng chính, quan trọng của nghiên cứu ứng dụng KH&CN và ĐMST, Sở KH&CN đã tham mưu ban hành chính sách KH&CN liên quan như Chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị công nghệ, Chương trình KH&CN phát triển tài sản trí tuệ, Chương trình KH&CN nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Sở đã có kế hoạch khảo sát thực tế, vận động doanh nghiệp tham gia các Chương trình thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Qua 3 năm sát cánh cùng doanh nghiệp đã có 8 doanh nghiệp tham gia Chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị công nghệ. Về Chương trình KH&CN phát triển tài sản trí tuệ, Sở đã khảo sát và chọn đối tượng là hộ kinh doanh và hợp tác xã để hỗ trợ. Hiện đã có 44 sản phẩm nhãn hiệu và chứng nhận được cấp. Hiện Quảng ngãi đang xây dựng hai chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Quế Trà Bổng và Tỏi Lý Sơn. Về Chương trình KH&CN nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đã thu hút được 47 doanh nghiệp tham gia.

Chia sẻ ý kiến liên quan đến chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng Võ Thị Hảo đặt vấn đề, Lâm Đồng đã phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nên rất cần hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất theo chuỗi giá trị như thế nào? “Xây dựng doanh nghiệp theo chuỗi giá trị không phải là việc riêng của một Sở nào mà cần có sự phối hợp liên kết. Sở KH&CN có vai trò tham mưu quản lý, do vậy sẽ tham gia gì trong chuỗi giá trị đó để phát huy khả năng của mình”, bà Hảo chia sẻ.

Cũng theo bà Hảo, thời gian qua, Bộ KH&CN thông qua Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi đã hỗ trợ Lâm Đồng trong sản xuất rau, củ, quả mang lại kết quả thiết thực. Đồng thời việc chứng nhận sở hữu trí tuệ sau phát triển chuỗi giá trị cũng đã tính đến thương hiệu cho sản phẩm đó, ngành hàng đó.

Nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng, mỗi Sở KH&CN cần phát huy tốt vai trò liên kết, hợp tác với các Sở ngành trong hỗ trợ, đầu tư cho doanh nghiệp. Việc xác định đúng vai trò của Sở, ngành trong chuỗi giá trị sẽ phát huy được tốt vai trò. Cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải xác định quy hoạch chiến lược phát triển trong từng sản phẩm và ngành hàng, đảm bảo cung cầu, tiến tới kết hợp nguồn lực để xây dựng chuỗi giá trị.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ (Cục Sở hữu trí tuệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Thanh tra Bộ, Cục Thông tin KH&CN quốc gia, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN,...) đã trao đổi, chia sẻ, giải đáp các vấn đề từ Sở KH&CN các địa phương đặt ra. Đồng thời đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ và Sở KH&CN các địa phương trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá cao tinh thần trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm của Lãnh đạo các Sở, đồng thời ghi nhận sự vào cuộc của các đơn vị thuộc Bộ trong việc xem xét, xử lý các đề nghị của địa phương. Các nội dung trao đổi là cơ sở gắn kết hơn nữa trong mối quan hệ phối hợp và cùng tham mưu cho Bộ những vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới. Đồng thời cho rằng, Sở KH&CN các tỉnh đã  tích cực và có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thứ trưởng mong muốn, các địa phương tăng cường liên kết để KH&CN giữ vai trò là động lực trong phát triển KH&CN tại địa phương và tham gia giải quyết tốt các vấn đề của đời sống, xã hội.

Được biết, Hội nghị KH&CN vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ XVI sẽ diễn ra tại tỉnh Đắc Lắc năm 2021./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

 

 

Số lượt xem:884

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔNG TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kon Tum - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Giám đốc Trung tâm.
Địa chỉ: 88 Hai Bà Trưng – phường Quyết Thắng – tp Kon Tum – tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862890Email: trungtamnuockt@gmail.com.

76808 Tổng số người truy cập: 6567 Số người online:
TNC Phát triển: