Đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ là động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Ở Việt Nam, đổi mới sáng tạo được các nhà nghiên cứu coi là yếu tố kép khi nó vừa tạo ra, ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, vừa là giải pháp quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội (1). Quan điểm về phát triển và ứng dụng thành tựu khoa học và kỹ thuật - nội hàm của đổi mới sáng tạo - hình thành trên cơ sở các quan điểm về đổi mới kinh tế, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đề ra và từ đó đến nay đã trở thành một tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Tại Đại hội VI, Đảng ta xác định: “Nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo”(2). Đại hội VI cũng đã nêu lên quan điểm cần xúc tiến và hoàn thành việc xác định “chiến lược phát triển khoa học và kỹ thuật, làm luận cứ khoa học cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội... phải lựa chọn và tổ chức áp dụng rộng rãi các thành tựu khoa học và kỹ thuật thích hợp”(3). Trong giai đoạn này, các quan điểm phát triển khoa học và kỹ thuật được đề cập trong văn kiện mới chỉ xác định mô hình khoa học - công nghệ, chưa có những chỉ đạo quyết liệt về việc áp dụng các mô hình này vào thực tiễn.
Kế thừa các quan điểm trên, Đại hội VII của Đảng (năm 1991) nhấn mạnh: “Khoa học và giáo dục đóng vai trò then chốt trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, là một động lực đưa đất nước thoát ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”(4). Từ việc nhấn mạnh vai trò của khoa học và giáo dục, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) khẳng định quan điểm của Đảng là “Khoa học và công nghệ,… phải được xem là quốc sách hàng đầu”(5), đồng thời khẳng định nhiệm vụ trung tâm để từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội là “phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại”(6). Cụ thể hóa chỉ đạo này, Hội nghị Trung ương 7 khóa VII nhấn mạnh, phát triển khoa học và công nghệ - nền tảng của phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa - là sự nghiệp của toàn xã hội, của mọi thành phần kinh tế, do đó cần “gắn khoa học - công nghệ với sản xuất, dịch vụ; gắn các chương trình phát triển khoa học - công nghệ với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, khuyến khích sự sáng tạo của các nhà khoa học, đồng thời coi trọng phát huy sáng kiến của mọi người lao động”(7). Lúc này, trước yêu cầu của sự chuyển đổi kinh tế mạnh mẽ theo hướng công nghiệp, hiện đại, yếu tố khoa học, công nghệ được coi là “nền tảng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa”(8). Quan điểm này của Đảng cho thấy tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong sự phát triển của lực lượng sản xuất, nâng cao trình độ quản lý, bảo đảm chất lượng, tốc độ phát triển của nền kinh tế.
Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HNTW, ngày 24-12-1996, “Về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000”, chỉ ra một số hạn chế về công tác phát triển khoa học và công nghệ, đó là chưa thường xuyên chỉ đạo và kiểm tra thực hiện những mục tiêu, phương hướng, chủ trương, cũng như chưa có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong điều kiện mới. Để giải quyết những vấn đề này, Đảng đã đưa ra các định hướng quan trọng, đó là: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải bằng và dựa vào khoa học, công nghệ… Khoa học và công nghệ là nội dung then chốt trong mọi hoạt động của tất cả các ngành, các cấp, là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tǎng trưởng kinh tế và củng cố quốc phòng - an ninh… Phát triển khoa học, công nghệ gắn liền với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”(9).
Trong giai đoạn này, Đảng đã chủ trương mở rộng phạm vi phát triển khoa học và công nghệ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực: “Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học tự nhiên và công nghệ tiên tiến trong tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, quản lý và quốc phòng - an ninh. Nắm bắt công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, những công nghệ mới trong chế tạo máy… để có thể đi nhanh vào hiện đại ở những khâu quyết định”(10) và “thúc đẩy các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn của Nhà nước đổi mới công nghệ, thu hút lực lượng nghiên cứu - triển khai về các doanh nghiệp”(11). Đặc biệt, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 58-CT/TW, ngày 17-10-2000, “Về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề về mở rộng kết cấu hạ tầng mạng thông tin quốc gia với giá thành rẻ, chất lượng cao, tốc độ ổn định; phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, hình thành ngành kinh tế công nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ phần mềm.
Đến Đại hội IX của Đảng (năm 2001), Đảng ta xác định mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”(12). Quan điểm này đã thể hiện nhận thức rõ ràng về đổi mới ở Việt Nam, gắn cụ thể với một mô hình kinh tế nhằm bảo đảm về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong tình hình mới. Với mô hình này, đường lối phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010 là: “Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững... Tạo chuyển biến mạnh về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát huy nhân tố con người”(13). Tuy nhiên, trước các vấn đề nổi cộm trong nước, như “các hoạt động khoa học và công nghệ chưa đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; “cơ chế chính sách không đồng bộ và chưa tạo động lực mạnh để phát triển”; “một số quan điểm, chủ trương chưa rõ, chưa có sự nhận thức thống nhất và chưa được thông suốt ở các cấp, các ngành. Trong cán bộ, đảng viên có những cách hiểu và cách làm không thống nhất về những vấn đề như: xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chính sách về đất đai, kinh tế trang trại, nội dung và bước đi công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”(14), do đó, tại Đại hội này, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh “tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, tranh thủ ứng dụng ngày càng nhiều hơn, ở mức cao hơn và phổ biến hơn những thành tựu mới về khoa học và công nghệ, từng bước phát triển kinh tế tri thức. Phát huy nguồn lực trí tuệ và sức mạnh tinh thần của người Việt Nam; coi phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”(15). Như vậy, tại Đại hội IX, các yếu tố trụ cột của đổi mới sáng tạo là nhân tố con người, kinh tế tri thức, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đã được nhìn nhận và được chỉ đạo thực hiện khá cụ thể. Đặc biệt là vai trò của kinh tế tri thức, của sự sáng tạo, các phát minh khoa học, nguồn nhân lực lao động chất lượng cao đã được Đảng ta chỉ ra rõ ràng hơn trong chỉ đạo phát triển kinh tế. Cùng với đó, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ được coi là nền tảng, đồng thời là động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây cũng là những yếu tố quan trọng để rút ngắn thời gian của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta. Tuy nhiên, nội hàm của đổi mới sáng tạo vẫn chưa được nêu lên một cách rõ nét.
Đại hội X của Đảng nhận định, mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng trình độ khoa học, công nghệ; năng suất lao động; chất lượng giáo dục và đào tạo vẫn còn không ít những hạn chế. Khoa học và công nghệ chưa đáp ứng kịp yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chưa thật sự trở thành động lực thúc đẩy, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội… Do đó, Đại hội lần thứ X của Đảng (năm 2006) nhấn mạnh: “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”(16).
Đại hội XI của Đảng (năm 2011) tiếp tục khẳng định chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững. Đại hội xác định phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tiếp tục thực hiện quan điểm khoa học và công nghệ gắn với kinh tế tri thức được đề ra từ Đại hội X. Thực hiện đồng bộ ba nhiệm vụ chủ yếu là: “Nâng cao năng lực khoa học, công nghệ; đổi mới cơ chế quản lý; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng”(17); đồng thời, Đại hội cũng chỉ ra: “Phát triển kinh tế tri thức trên cơ sở phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ… Phát huy và sử dụng có hiệu quả nhất nguồn tri thức của con người Việt Nam, khai thác nhiều nhất tri thức của nhân loại. Xây dựng và triển khai lộ trình phát triển kinh tế tri thức đến năm 2020 (18). Để đạt được các mục tiêu trên, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định, cần “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường”(19). Như vậy, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ chính là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư, trước hết trong hoạt động của các cấp, các ngành.
Cùng với sự phát triển trong quan điểm về đổi mới sáng tạo trên thế giới, tại Đại hội lần thứ XII của Đảng (năm 2016), khoa học và công nghệ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quốc sách hàng đầu đối với sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế; đồng thời Đại hội đã bổ sung thêm quan điểm lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu (20).
Thực hành mô phỏng hóa tại Phòng học công nghệ 4.0 của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội_Ảnh: TTXVN
Đổi mới sáng tạo toàn diện mọi lĩnh vực vì con người, do con người, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước
Tại Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên cụm từ “đổi mới sáng tạo” với tư cách là thuật ngữ riêng đã được đưa vào Văn kiện. Đổi mới sáng tạo được xác định là một nội dung của đột phá chiến lược thứ nhất trong ba đột phá chiến lược phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời nội hàm của đổi mới sáng tạo cũng phần nào được làm rõ qua các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên tất cả các lĩnh vực.
Đổi mới sáng tạo được coi như một động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhằm đạt mục tiêu phấn đấu “nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”.
Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: “Đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao” (21); “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để khoa học và công nghệ thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế” (22) và “bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ,… thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”(23).
Đại hội XIII của Đảng khẳng định và củng cố vai trò của đổi mới sáng tạo thông qua 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược: (1) “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển”, “thúc đẩy đổi mới sáng tạo”; (2) “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”; (3) “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội”(24). Cả 3 đột phá chiến lược này đều tạo cơ chế cho đổi mới sáng tạo, cũng như lấy đổi mới sáng tạo làm cơ sở, động lực cho sự phát triển.
Đại hội XIII của Đảng còn đề cập đến một số nội dung cụ thể của đổi mới sáng tạo trong giai đoạn 2021 - 2030.
Trong lĩnh vực kinh tế, đổi mới sáng tạo được thực hiện song song với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, tập trung vào “thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển các mô hình kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo”(25); trong lĩnh vực khoa học và công nghệ chú trọng “lấy doanh nghiệp làm trung tâm; thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số”, “thực hiện chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh, tổ chức xã hội và quản lý tài nguyên quốc gia”(26); trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đổi mới sáng tạo luôn song hành với quá trình “nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới; hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, các nhóm đổi mới sáng tạo mạnh” (27); trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đổi mới sáng tạo tập trung vào “tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học y học, phát triển các ngành khoa học phục vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ số trong khám, chữa bệnh” (28); trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng nhằm “đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ… phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học - công nghệ cao”(29).
Từ sự cụ thể hóa của các đột phá chiến lược giai đoạn 2021 - 2030 cho thấy, có sự phát triển mạnh mẽ trong tư duy khi làm rõ nội hàm của đổi mới sáng tạo, đó là hệ thống các yếu tố tổ chức, thể chế, cấu trúc kinh tế tương tác lẫn nhau quy định tốc độ, phương hướng và chất lượng của đổi mới. Những quan điểm này thể hiện quyết tâm cao về đổi mới sáng tạo và ngày càng hoàn thiện các yếu tố thúc đẩy đổi mới sáng tạo để đạt được sự phát triển.
Như vậy, qua các kỳ đại hội kể từ Đại hội VI, Đảng ta đã thể hiện quyết tâm phát triển và ứng dụng các thành tựu của khoa học và kỹ thuật đối với tiến trình phát triển đất nước. Đặc biệt, tại Đại hội XIII của Đảng, tinh thần này, nhất là yếu tố đổi mới sáng tạo, được thể hiện xuyên suốt, thống nhất, cụ thể trong Văn kiện của Đại hội, từ mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến định hướng phát triển của đất nước… Các quan điểm này đã thể hiện sự kế thừa tư duy đổi mới của Đảng qua các kỳ đại hội và tầm nhìn của Đảng trước yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới.
--------------------------
(1) Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013
(2), (3) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, t. 47, tr. 723 - 724, 757
(4), (5), (6) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 51, tr. 110, 143, 139
(7), (8) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 53, tr. 463, 559
(9), (10), (11) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 55, tr. 751 - 752, 386 - 387, 388
(12, (13), (14), (15) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 60, tr. 181, 184, 171 - 173, 184
(16) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 94 - 95
(17), (18), (19) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 218, 220 - 221, 72
(20) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 90
(21), (22), (23), (24), (25), (26), (27), (28), (29) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 43, 46, 110, 203 - 204, 223, 206 - 207, 138, 267, 279