Các cơ quan tạo điều kiện phát huy vai trò của nữ trí thức, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Thủ tướng yêu cầu.
Chiều 7/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp đại diện nữ lãnh đạo, quản lý các cơ quan trung ương và trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2022 nhân ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Ông nói đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội tham gia, thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là nhiệm vụ dài hạn, liên tục.
Vì vậy, công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ làm lãnh đạo, quản lý cần được quan tâm hơn. Bộ Nội vụ triển khai hiệu quả đề án bồi dưỡng ở nước ngoài nhằm nâng cao năng lực cán bộ, công chức, lãnh đạo trẻ và lãnh đạo nữ địa phương.
Cùng với tạo điều kiện để phụ nữ khởi nghiệp và tham gia vào đổi mới sáng tạo, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tri thức. Các cơ quan tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2030. Hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, ứng phó bạo lực cần hoàn thiện. Luật Bình đẳng giới, Luật Dân số cần đẩy nhanh tiến độ sửa đổi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc gặp mặt đại diện nữ lãnh đạo, quản lý các cơ quan Trung ương và trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2022, chiều 7/3. Ảnh: Nhật Bắc
Ủy ban giải thưởng Kovalevskaia tiếp tục tôn vinh các tập thể, cá nhân nữ có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc, giá trị thiết thực, tạo động lực, truyền cảm hứng, có tính lan tỏa cao trong đời sống xã hội.
"Tôi tin tưởng truyền thống nhân hậu, đảm đang, trí tuệ và cống hiến sẽ được kế thừa, nuôi dưỡng và phát triển trong mỗi phụ nữ Việt Nam. Phẩm chất tốt đẹp ấy là sự hội tụ của trí tuệ, bản lĩnh, tảo tần, sự hy sinh để nuôi dưỡng tình yêu thương, hạnh phúc cho mỗi thành viên trong gia đình và đóng góp cho xã hội, cộng đồng", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Theo Thủ tướng, từ bình minh lịch sử dân tộc, phụ nữ đã nêu cao tinh thần yêu nước, bất khuất, khí phách quật cường. Hình ảnh tiêu biểu là Bà Trưng, Bà Triệu và nhiều tiền bối khác. Trong các cuộc kháng chiến có nhiều tấm gương nữ chiến sĩ như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Chiên, Võ Thị Thắng. Cùng với đó là sự hy sinh cao cả của các mẹ Việt Nam anh hùng. Đây là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Ngày nay, ở hoàn cảnh, vị trí công tác nào, phụ nữ Việt Nam luôn phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, giỏi việc nước, đảm việc nhà. Phụ nữ đóng góp lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam chuyển trạng thái chống Covid-19 thành công có đóng góp quan trọng của phụ nữ.
Nữ lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Nữ đại biểu Quốc hội chiếm 30%, xếp thứ 64 thế giới, thứ tư châu Á, đứng đầu Đông Nam Á. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 50%. Mới đây, Bộ Chính trị phân công Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai làm Thường trực Ban Bí thư, là phụ nữ đầu tiên đảm nhận cương vị này.
Nữ trí thức tham gia nghiên cứu khoa học tăng, có nhiều thành công trong nước và quốc tế, mang lại giá trị kinh tế cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại biểu dự cuộc gặp mặt, chiều 7/3. Ảnh: Nhật Bắc
Tuy nhiên, nhiều phụ nữ nghèo còn khó khăn khi tiếp cận kiến thức mới, đào tạo nghề, thiếu vốn, mặt bằng sản xuất, nhất là nông thôn, miền núi, vùng xa. Lao động nữ dễ tổn thương, mất việc làm, nhất là khi kinh tế khó khăn. Nhiều lao động nữ xuất khẩu làm giúp việc, lấy chồng nước ngoài, đối mặt với rủi ro. Chăm sóc sức khỏe phụ nữ, nhà trẻ, trường học cho con công nhân khu công nghiệp chưa được đảm bảo. Bạo lực gia đình chưa được xử lý triệt để. Định kiến giới và rào cản văn hóa vẫn ảnh hưởng đến phát triển của phụ nữ.
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết thời gian tới sẽ chú trọng xây dựng chính sách tạo nguồn cán bộ nữ, nhất là người trẻ. Chủ trương này nhằm đảm bảo cơ hội bình đẳng để phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.
Chính sách thu hút sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ, phụ nữ tài năng vào làm việc trong cơ quan nhà nước trung ương và địa phương sẽ được thực hiện hiệu quả. Bộ Nội vụ sẽ có cơ chế phát huy năng lực, khát vọng cống hiến, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung của cán bộ, trong đó có phụ nữ.
Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (trái) và Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại buổi gặp mặt chiều 7/3. Ảnh: Nhật Bắc
Việc luân chuyển cán bộ nữ về cơ sở rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo cũng được quan tâm. Phụ nữ được khuyến khích chủ động vượt qua rào cản về giới để vượt lên chính mình, tham gia nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực lãnh đạo, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Link liên kết nguồn: https://vnexpress.net/thu-tuong-tao-dieu-kien-de-phu-nu-khoi-nghiep-4578588.html