banner
Thứ 2, ngày 18 tháng 11 năm 2024
Phát triển nông nghiệp hữu cơ hướng tới thương mại hóa sản phẩm
20-9-2019
Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam đang được người sản xuất và người tiêu dùng quan tâm. Vậy giải pháp nào để phát triển nông nghiệp hữu cơ hướng tới thương mại hóa sản phẩm?

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội thảo "Đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam". 

Phấn đấu đứng trong top 15 của thế giới về nông nghiệp hữu cơ

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ được coi là canh tác an toàn nông sản có kiểm soát, không sử dụng hóa chất, từ phân bón, thuốc trừ sâu, chất diệt cỏ, chất kích thích tăng trưởng…  Với mục đích định hướng, đề ra mục tiêu phát triển sản xuất hữu cơ, thương mại hóa sản phẩm, Bộ NN&PTNT đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030”. Mục tiêu của dự thảo đề án là đến năm 2030 Việt Nam phấn đấu đứng trong top 15 của thế giới về nông nghiệp hữu cơ.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay, Việt Nam có khoảng 76.666 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đứng thứ 7 châu Á và thứ 3 trong các nước ASEAN. Nhưng xét trên tổng diện tích đất nông nghiệp là 26,8 triệu ha, thì diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của cả nước còn khiêm tốn... Chăn nuôi lợn hữu cơ có 12 địa phương có khoảng 64.200 con, sản lượng thịt hơi gần 6.000 tấn; chăn nuôi gà hữu cơ có ở 6 tỉnh với 273.000 con, sản lượng thịt hơi 922 tấn; chăn nuôi bò hữu cơ có 2 tỉnh là Nghệ An và Lâm Đồng được các tổ chức quốc tế công nhận với sản lượng 3.500 con.

Nuôi trồng thủy sản hữu cơ mới chỉ có rất ít địa phương triển khai và chủ yếu theo hướng hữu cơ, sinh thái, đối với khai thác và đánh bắt chủ yếu dựa vào tiềm năng mặt nước ao hồ tự nhiên. Hiện tại, cả nước có 4 tỉnh có mô hình nuôi trồng thủy sản hữu cơ với tổng diện tích 134.800 ha.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, hệ thống canh tác nông nghiệp hữu cơ đã và đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia thế giới khi áp lực về lương thực giảm, áp lực vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường tăng. Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam vẫn đứng trước những thách thức, bởi chưa có cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh để khuyến khích phát triển. Hệ thống chứng nhận, tiêu chuẩn, quy chuẩn, giám sát chưa hoàn chỉnh; các hộ sản xuất vẫn là tự nguyện…

Từ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp hữu cơ của các nước Liên minh châu Âu (EU), ông Olivier Catrou, Viện Quốc gia về Xuất xứ và Chất lượng (INAO), Bộ Nông nghiệp Pháp khuyến nghị cần có quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ để nông dân có thể sản xuất với số lượng lớn. Người nông dân có thể sản xuất đúng quy trình nhưng nếu chưa được chứng nhận thì cũng rất khó bán ra thị trường. Vai trò quản lý nhà nước là cung cấp thông tin, hệ thống cấp, quản lý chứng nhận; hỗ trợ nông dân sản xuất và chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Theo ông Olivier Catrou, tiềm năng Việt Nam xuất khẩu nông sản hữu cơ sang châu Âu rất lớn vì các sản phẩm hai bên bổ sung cho nhau. Thị trường nông sản hữu cơ ở châu Âu rất lớn nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để người tiêu dùng tin tưởng sử dụng để có thể xuất khẩu vào châu Âu. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ mở ra tiềm năng để phát triển mạnh lĩnh vực này cho cả hai bên. Điều quan trọng là các nhà xuất khẩu cần trực tiếp đến châu Âu để tìm hiểu, biết được họ cần gì và cần phải đáp ứng như thế nào.

Tiêu chuẩn là “chìa khóa” phát triển đối với nông nghiệp hữu cơ

Hiện nay, Việt Nam đã có tiêu chuẩn chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm hữu cơ; trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ cho một số sản phẩm như: gạo, chè, sữa nhưng chưa có tiêu chuẩn đối với các sản phẩm thủy sản, dược liệu, mỹ phẩm, rau, quả, cà phê, hồ tiêu…

Việc chứng nhận sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam có 3 hình thức chứng nhận là: Chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế, chứng nhận PGS, chứng nhận TCVN. Việt Nam có 50 doanh nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ USDA với nhiều sản phẩm như trà, hạt điều, dừa, artiso...; 18 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn USDA – NOP và 12 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn EC 834/2007.

Hội thảo Đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, trong các giải pháp triển khai đề án sẽ chú trọng đến giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó là xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm trên phạm vi cả nước để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước đang tăng cũng như hướng đến xuất khẩu.

“Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm hữu cơ, đặc biệt là sang thị trường lớn châu Âu. Chính vì vậy, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần có sự quản lý chặt chẽ các tổ chức chứng nhận, đơn vị được giao trong việc giám sát kết quả chứng nhận”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Theo dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030”, đến năm 2025, diện tích cây trồng hữu cơ đạt khoảng 1,5 – 3% tổng diện tích gieo trồng; chăn nuôi có 5 – 10% sản phẩm hữu cơ (riêng đối với ong và sản phẩm từ ong khoảng 40 – 50% hữu cơ); khoảng 2 – 3% diện tích nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ tương đương với 60.000 ha.

Đến năm 2030, diện tích cây trồng hữu cơ đạt khoảng 7 – 10% diện tích gieo trồng (riêng đối với các cây dược liệu, hương liệu và các sản phẩm từ thiên nhiên, diện tích hữu cơ đạt khoảng 40 – 50%), năng suất cây trồng hữu cơ đạt khoảng 95 – 100% năng suất cây trồng thường; vật nuôi có 5 – 10% sản phẩm hữu cơ; thủy sản có khoảng 7 – 8% diện tích tương đương với 100.000 ha cho sản lượng khoảng 500.000 tấn.

Để đạt mục tiêu này, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật, hướng dẫn về phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến tiêu thụ; có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tham gia vào phát triển nông nghiệp hữu cơ... Dự kiến trong quý IV/2019, Dự thảo sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành. 

Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông khoa học và công nghệ 

Số lượt xem:1415

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔNG TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kon Tum - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Giám đốc Trung tâm.
Địa chỉ: 88 Hai Bà Trưng – phường Quyết Thắng – tp Kon Tum – tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862890Email: trungtamnuockt@gmail.com.

73521 Tổng số người truy cập: 3149 Số người online:
TNC Phát triển: