Thách thức về kinh tế
Xét theo mặt hàng, một số chủng loại nông sản mà một số nước CPTPP có thế mạnh như thịt lợn, thịt gà là những mặt hàng Việt Nam đã sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu. Tuy nhiên, do Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp định nên sức ép cạnh tranh giảm đi đáng kể. Hơn nữa, với hai mặt hàng này, Việt Nam đã bảo lưu được lộ trình thực hiện tương đối dài (với một số chủng loại thịt gà là trên 10 năm). Đây là lộ trình dài hơn nhiều so với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong ASEAN vốn cũng rất cạnh tranh trong việc sản xuất một số loại thịt.
Một số sản phẩm công nghiệp mà một số nước CPTPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất của ta, ví dụ như giấy, thép, ô tô. Tuy nhiên, có cơ sở để cho rằng sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì hiện tại và trong tương lai 10 - 15 năm nữa sản phẩm của ta vẫn chủ yếu hướng đến phân khúc thị trường trung bình trong khi sản phẩm của các nước CPTPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.
Để vượt qua thách thức này, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp - chăn nuôi, Chính phủ trong thời qua đã ban hành 3 Nghị định theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thí điểm một số mô hình sản xuất tiên tiến, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp v.v. để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, từ đó đủ sức cạnh tranh trên sân nhà và vươn ra thị trường thế giới. Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam đã quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với các công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến trên thế giới. Với công nghệ và phương thức quản lý hiện đại, có cơ sở để tin rằng các sản phẩm do các tập đoàn này làm ra sẽ có khả năng cạnh tranh trên sân nhà. Theo kết quả đàm phán, việc mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ được thực hiện theo lộ trình phù hợp để hỗ trợ cho tiến trình cơ cấu lại.
Với các sản phẩm khác, giải pháp chủ yếu cũng là kéo dãn lộ trình giảm thuế để có thời gian tái cơ cấu sản xuất trong nước, thúc đẩy đầu tư quy mô lớn và áp dụng công nghệ cao để nâng dần sức cạnh tranh. Theo hướng đó, lộ trình cần được sử dụng một cách chủ động, hiệu quả, tránh tình trạng ỷ lại vào lộ trình dẫn đến chậm đổi mới và từ đó là bị động, lúng túng khi thách thức đến. Đặc biệt, cần đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để mọi doanh nghiệp đều nhận thức được cơ hội và thách thức của CPTPP nói riêng cũng như tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các FTA thế hệ mới nói chung.
Thách thức về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, thể chế
Để thực thi cam kết trong CPTPP, sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động, công đoàn v.v. Sức ép phải thay đổi hệ thống pháp luật để tuân thủ những chuẩn mực mới của Hiệp định là có nhưng sẽ vượt qua được vì 3 lý do. Một là, những cam kết khó nhất, đòi hỏi nguồn lực thực thi lớn (ví dụ như trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ), đã được 11 nước "tạm hoãn" sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP. Hai là, nhiều cam kết tuy mới nhưng lại phù hợp hoàn toàn với đường lối, chủ trương của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước (ví dụ như trong lĩnh vực mua sắm của Chính phủ, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa...) nên sức ép thay đổi hệ thống pháp luật không lớn.
Ngoài ra, như kinh nghiệm gia nhập WTO đã chỉ ra, với sự chuẩn bị nghiêm túc và nỗ lực cao, ta có thể thực hiện thành công khối lượng công việc này, nhất là khi ta được quyền thực hiện theo lộ trình. Cụ thể, ngay sau khi Hiệp định được ký kết, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với Bộ Tư pháp khẩn trương rà soát các quy định hiện hành trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi phụ trách để từ đó đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung hoặc hình thức áp dụng phù hợp nhằm đảm bảo phù hợp với các yêu cầu của Hiệp định CPTPP. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch của Chính phủ về thực thi Hiệp định CPTPP, trong đó phân công nhiệm vụ cho từng Bộ, ngành, cơ quan có liên quan triển khai các công việc cụ thể để bảo đảm việc thực thi đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định này.
Thách thức về xã hội
Cạnh tranh tăng lên khi tham gia CPTPP có thể làm cho một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu lâm vào tình trạng khó khăn (thậm chí phá sản), kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, do phần lớn các nền kinh tế trong CPTPP không cạnh tranh trực tiếp với ta, nên ngoại trừ một số ít sản phẩm nông nghiệp, dự kiến tác động này là có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và chỉ mang tính ngắn hạn.
Đồng thời, với cơ hội mới có được, ta sẽ có điều kiện để tạo ra nhiều việc làm mới, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành ta thực sự có lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, với thời gian, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài tăng lên, có lựa chọn hơn, cơ cấu sản xuất sẽ được điều chỉnh và nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra.
Do vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể tận dụng được tối đa những cơ hội cũng như giản thiểu những thách thức gặp phải trong quá trình thực thi Hiệp định, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của doanh nghiệp về các quy định, cam kết của Hiệp định. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành chủ động nghiên cứu, vận dụng các biện pháp phi thuế như các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại được phép áp dụng theo các cam kết quốc tế của Việt Nam nói chung và Hiệp định CPTPP nói riêng để hỗ trợ cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nước ngoài. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ có các biện pháp trợ giúp doanh nghiệp để chủ động xử lý kịp thời các tác động tiêu cực có thể xảy ra trong đó có việc tổ chức đào tạo lại đội ngũ lao động.
Thách thức về thu ngân sách
Việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết sẽ làm giảm thu ngân sách, tuy nhiên sẽ không tác động đột ngột do trong CPTPP có đến 7/10 nước đã có FTA với Việt Nam, chỉ còn 3 nước là Ca-na-đa, Mê-hi-cô và Pê-ru là chưa có FTA với Việt Nam nhưng thương mại hiện còn khiêm tốn. Trước tác động của hội nhập đến thu ngân sách, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện tái cơ cấu ngân sách nhà nước, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về ngân sách, chính sách thuế, quản lý thuế, hải quan nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, mở rộng cơ sở thuế, tăng thu nội địa, trên cơ sở đó đảm bảo bền vững ngân sách nhà nước, an ninh tài chính quốc gia.
Với thuế xuất khẩu, do ta giữ lại thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng có nguồn thu lớn như dầu thô và một số loại khoáng sản nên tác động giảm thu không lớn.
Ngoài ra, với những lợi ích mà Hiệp định CPTPP mang lại, các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó có thể đóng góp nhiều hơn vào ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thu thuế nội địa như thuế thu nhập danh nghiệp… Điều này sẽ phần nào giúp cân bằng nguồn thu – chi cho ngân sách quốc gia.
Nguồn: Bộ Công Thương