banner
Thứ 3, ngày 19 tháng 11 năm 2024
Người Việt khởi nghiệp khắp năm châu, dù ở đâu cũng được hỗ trợ
28-2-2019

Các startup giai đoạn đầu lĩnh vực công nghệ cao, các startup với nhà sáng lập người Việt không giới hạn phạm vi địa lý cũng đều sẽ được tiếp cận với các hoạt động hỗ trợ về chuyên môn, tài chính…

Đội quán quân VietChallenge mùa giải 2018 VIoT team nhận giải thưởng 25.000 USD tại ĐH MIT, Boston, Hoa Kỳ. Ảnh: SVF.

Mới đây, Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) và Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ đã chính thức đạt được thỏa thuận cam kết chung là đồng hành hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp cho người Việt trên toàn thế giới.

Biên bản hợp tác thể hiện sự tập trung của cả hai tổ chức vào việc hỗ trợ các startups giai đoạn đầu trong lĩnh vực công nghệ cao, các startup với nhà sáng lập người Việt không giới hạn phạm vi địa lý.

Những hành động cụ thể sẽ được triển khai trên thoả thuận hợp tác là việc trao các giải thưởng cho startups, kết nối startups với nhà đầu tư và cố vấn, tổ chức các chương trình hội thảo, bootcamp đào tạo các kỹ năng cần thiết của nhà khởi nghiệp.

Một trong những hoạt động trọng tâm của hai bên là phối hợp tổ chức cuộc thi VietChallenge năm 2019.

Theo bà Nguyễn Nhã Quyên, Giám đốc vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp của SVF, thông qua hợp tác chiến lược này, hai bên mong muốn mở rộng mạng lưới hỗ trợ, đem đến cho các doanh chủ người Việt và công ty khởi nghiệp Việt nhiều cơ hội cập nhật kiến thức, trưởng thành và bùng nổ.

“Các hoạt động do hai bên chủ trì đã không ngừng kết nối startup Việt với đội ngũ chuyên gia khởi nghiệp tại Mỹ giúp đem tới những bài học thực tế để khởi nghiệp thành công tại môi trường quốc tế”- bà Quyên nói.

Với cuộc thi VietChallenge sau ba mùa giải đầu tiên đã tạo được ấn tượng tích cực và đón nhận nhiệt tình của các startup Việt trên khắp thế giới. Tổng cộng đã có hơn 500 hồ sơ dự thi đến từ 21 quốc gia tranh tài cho tổng giải thưởng lên tới 100.000 USD (hơn 2,2 tỉ VND).

VietChallenge 2019 sẽ chọn ra nhà vô địch với giải thưởng trị giá 25.000 USD. Cuộc thi là dịp để những nhà khởi nghiệp Việt Nam được học hỏi và tạo cơ hội thiết lập mối quan hệ với các quỹ đầu tư uy tín, vườn ươm khởi nghiệp, mạng lưới nhà đầu tư thiên thần trong nước và quốc tế.

Trong mùa giải 2019, VietChallenge sẽ tiếp tục tổ chức chương trình Mentorship (chương trình cố vấn 1-1) lọt vào vòng bán kết của cuộc thi. Với chương trình này, các đội chơi không chỉ nhận được hỗ trợ về mặt tài chính mà còn nhận được sự hướng dẫn tận tình từ các chuyên gia trong lĩnh vực của mình.

Dàn giám khảo của VietChallenge là những chuyên gia, doanh nhân lớn tại Hoa Kỳ. Ảnh: SVF.

Các chuyên gia trong các lĩnh vực như khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, robot tự động hoá, dữ liệu khổng lồ sẽ giúp các đội tháo gỡ nhanh chóng những khó khăn mà họ gặp phải. Chương trình Mentorship đang đem lại cho các đội chơi cơ hội gặp gỡ và học hỏi trực tiếp từ các chuyên gia đầu ngành tại Mỹ.

Anh Việt Nguyễn, CEO startup VIoT, nhà vô địch của VietChallenge 2018 chia sẻ, chất lượng đội ngũ giám khảo và cố vấn chiến lược (mentors) thật sự rất tuyệt vời. Từ khi tham gia cuộc thi, nhóm đã nhận được những lời khuyên cực kỳ đắt giá và cơ hội đầu tư từ các quỹ tại cả Mỹ và Úc.

"Chúng tôi đã được kết nối với với hệ sinh thái khởi nghiệp tại thành phố Boston sau khi cuộc thi kết thúc. Hiện chúng tôi đã gọi vốn hạt giống thành công hơn 245.000 USD và đang đẩy mạnh mảng R&D (nghiên cứu và triển khai) của công ty”- anh Việt Nguyễn nói.

Theo Khampha.vn

Số lượt xem:853

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔNG TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kon Tum - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Giám đốc Trung tâm.
Địa chỉ: 88 Hai Bà Trưng – phường Quyết Thắng – tp Kon Tum – tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862890Email: trungtamnuockt@gmail.com.

76828 Tổng số người truy cập: 20 Số người online:
TNC Phát triển: