Bằng phương pháp sử dụng vi sinh vật biến thực phẩm thành phân bón, nhóm sinh viên muốn giảm chi phí sử dụng phân hóa học của nông dân và thu mua phân bón sinh học do họ làm ra.
Nhóm 4 sinh viên ĐH RMIT Việt Nam vừa giành chiến thắng tại cuộc thi "Thử thách đổi mới sáng tạo và hợp tác KPMG". Ảnh: NVCC.
Nhóm bốn sinh viên RMIT Việt Nam đã chiến thắng cuộc thi "Thử thách đổi mới sáng tạo và hợp tác KPMG (KICC)" 2019 với ý tưởng sáng tạo giúp giải quyết việc lãng phí thực phẩm tại Việt Nam.
Đỗ Hoàng Thảo Vi, sinh viên ngành kinh doanh (truyền thông số), trưởng nhóm Food Warrior, cho biết nhóm của bạn đã dành nhiều công sức lên ý tưởng để giải quyết cả những thách thức kinh doanh cũng như giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Food Aid Foundation (Tổ chức Cứu trợ lương thực), Việt Nam là nước có lượng rác thải thực phẩm cao thứ hai tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc, trong khi hàng ngày vẫn còn 795 triệu người bị đói.
Để giải quyết vấn đề này, nhóm đã nêu bật những thách thức hiện tại, đề xuất mô hình kinh doanh mới và đưa ra giải pháp về cách cải thiện tỉ suất lợi nhuận của công ty bằng cách bán thức ăn thừa, phân trùn quế và giun.
“Nếu được thực hiện, mô hình kinh doanh do chúng tôi đề xuất sẽ giảm chi phí phân bón, hỗ trợ nông dân Việt Nam, đồng thời cải thiện đời sống cho những người có hoàn cảnh khó khăn bằng cách trả tiền cho phân bón do họ làm ra”- Vi chia sẻ.
Đội chiến thắng cuộc thi KICC gồm Đỗ Hoàng Thảo Vi, Lê Trần Anh Thư, Nguyễn Yến Hân và Hoàng Văn Phúc Triệu sẽ đại diện Việt Nam tham dự vòng chung kết châu Á, vòng chung kết quốc tế tại Buenos Aires (Argentina), với chi phí chuyến đi được tài trợ bởi KPMG - một trong bốn “ông lớn” trong lĩnh vực tư vấn tài chính và kinh doanh quốc tế trên thế giới.
Theo Khampha.vn