Ngày 23/10/2021, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã diễn ra Hội nghị tổng kết Chương trình trọng điểm cấp nhà nước "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới" (KC.02/16-20) sau 5 năm thực hiện.
Tham dự hội nghị có ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ; PGS.TS. Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; ông Ngô Sỹ Quốc - Phó giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước; GS.TS. Nguyễn Việt Bắc - Chủ nhiệm Chương trình KC.02/16-20; TS. Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, cùng các nhà khoa học, chuyên gia của lĩnh vực công nghệ vật liệu.
PGS.TS. Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh rằng: “Khoa học và công nghệ vật liệu là một hướng nghiên cứu vô cùng quan trọng, là 1 trong 7 hướng nghiên cứu ưu tiên tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với 5 đơn vị nghiên cứu, hơn 500 cán bộ đang trực tiếp nghiên cứu trong lĩnh vực liên quan đến khoa học và công nghệ vật liệu và nhiều Viện chuyên ngành liên quan tới những nghiên cứu tổng thể về chế biến sâu khoáng sản, nghiên cứu vật liệu phục vụ chiến lược kinh tế biển, cũng như vật liệu phục vụ quốc phòng - an ninh. Trong giai đoạn 2016-2020, được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Chủ nhiệm Chương trình, các đơn vị nghiên cứu của Viện Hàn lâm đã được giao chủ trì và thực hiện thành công 04 đề tài, 01 dự án sản xuất thử nghiệm trong tổng số 24 đề tài và 06 dự án sản xuất thử nghiệm của toàn bộ Chương trình, đóng góp một phần khiêm tốn vào sự thành công của Chương trình KC.02/16-20”.
Ông Ngô Sỹ Quốc - Phó giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước, cho biết chương trình KC.02 được xây dựng với mục tiêu tiếp thu, ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến sản xuất các nguyên liệu từ các loại khoảng sản có tiềm năng, tạo ra vật liệu thông minh, thân thiện môi trường, có tính năng đặc biệt phục vụ các ngành kinh tế và an ninh quốc phòng, đồng thời hỗ trợ phát triển một số dây chuyền sản xuất nguyên liệu, vật liệu mới. Mặc dù có khó khăn trong quá trình nghiên cứu nhiệm vụ, đặc biệt là ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 kéo dài ở giai đoạn cuối của chương trình, hầu hết đề tài, dự án được nghiệm thu, nhiều sản phẩm được thương mại hóa.
GS.TS. Nguyễn Việt Bắc - Chủ nhiệm chương trình phát biểu tại Hội nghị
GS.TS. Nguyễn Việt Bắc - Chủ nhiệm chương trình đánh giá: “Sau hơn 5 năm, các nhiệm vụ thuộc KC.02 nghiệm thu xong 23/24 nhiệm vụ, 1 nhiệm vụ còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 10 năm nay. Chương trình có 24 sản phẩm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo ra 135 giải pháp công nghệ có tính ứng dụng thực tiễn. Đặc biệt, có 76 vật liệu mới tạo ra, trong đó 15 vật liệu mới đã hoàn thành. Các sản phẩm của Chương trình đều có trình độ khoa học cao, ứng dụng thực tế".
Một số báo cáo đề tài đã được trình bày tại Hội nghị, tiêu biểu như: Công nghệ bê tông asphalt tái chế ấm - giải pháp phát triển bền vững cho xây dựng mặt đường giao thông của PGS.TS. Đào Văn Đông (Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải); Vật liệu phục vụ quốc phòng, an ninh, công nghệ chế tạo và định hướng nghiên cứu phát triển của TS. Đào Duy Việt (Viện Công nghệ, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng); Hoàn thiện công nghệ sản xuất thiếc 99,99% bằng phương pháp điện phân tinh luyện có màng ngăn của TS. Đào Duy Anh (Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim, Bộ Công thương); Nghiên cứu chế tạo vật liệu compozit xốp dẫn điện làm điện cực cho thiết bị khử mặn theo công nghệ CDI (Capacitive Deionization): Một số kết quả ban đầu và triển vọng phát triển của GS.TS.Trần Đại Lâm (Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). GS.TS. Trần Đại Lâm cũng phân tích những lợi thế khi triển khai ứng dụng của đề tài, đó là: Làm chủ được công nghệ chế tạo thiết bị CDI, thiết bị CDI có thể áp dụng linh hoạt theo quy mô gia đình đến công nghiệp, thiết bị tiêu thụ năng lượng thấp, nguyên liệu chế tạo vật liệu hấp phụ có trữ lượng phong phú và đa dạng và sẵn có.
Sau khi nghe các báo cáo, Thứ trưởng thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhận xét: KC.02 là Chương trình có tính thực tiễn cao. Ông đánh giá cao những nỗ lực các nhóm nghiên cứu đã tạo ra các sáng chế, được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và hình thành được hai doanh nghiệp khoa học công nghệ, góp phần đào tạo nguồn nhân lực. Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, trong giai đoạn tới cần nhìn "trúng" vấn đề, đặt ra các đầu bài và cơ chế quản lý định hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm.
Thứ trưởng thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị
Ngoài đề xuất từ các nhà khoa học, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng gợi ý cần có ý kiến từ phía doanh nghiệp, tập đoàn, công ty, các ngành trong lĩnh vực để giải các bài toán cần đặt ra từ thực tế. Bên cạnh các nhiệm vụ nghiên cứu, các nhà khoa học cần phải tính toán được bài toán hiệu quả kinh tế để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Ông cho biết, để tạo hướng đi và có đầu bài tốt cho giai đoạn tới, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục tái cơ cấu với nội hàm và hướng giải quyết, quản lý rà soát Chương trình, để các nhà khoa học được tạo điều kiện thuận lợi, yên tâm nghiên cứu, sống được bằng nghề của mình.
Theo TS. Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ thì: Giai đoạn này các nhiệm vụ hướng tới ứng dụng nhiều hơn, các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn. Ngoài kinh phí ngân sách nhà nước, việc huy động nguồn lực khác từ doanh nghiệp đã có sự xấp xỉ nhau, đây là sự tiến bộ so với các giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, có hai tồn tại lớn với công nghệ vật liệu. Đó là chưa có nhiều nhiệm vụ có quy mô đủ lớn để tạo ra hiệu ứng và việc ứng dụng kết quả vẫn khó khăn, sản phẩm tạo ra chưa đủ tạo sức thuyết phục với doanh nghiệp.
Trong giai đoạn 2021-2025, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng khung Chương trình,TS.Nguyễn Đình Hậu đề xuất với các công trình khoa học ứng dụng cần nâng thời gian nhiệm vụ lên khung 10 năm, bởi cho rằng các vấn đề liên quan đến vật liệu cũng cần phải từ 5-10 năm mới ra được sản phẩm.
Trong tương lai gần, việc thực hiện thành công Chương trình KC.02/16-20 sẽ đóng góp cho xã hội những sản phẩm khoa học có chất lượng cao. Việc tạo ra quy trình công nghệ tiên tiến, các loại vật liệu mới, các thiết bị khoa học mới với giá thành hạ là nền tảng để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cuối cùng, góp phần tạo thêm việc làm, tăng doanh thu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở Việt Nam.
Tham quan các gian hàng trưng bày tại Hội nghị
Chụp ảnh lưu niệm
(theo vast.gov.vn)