banner
Thứ 7, ngày 16 tháng 11 năm 2024
Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn để phát triển kinh tế-xã hội
27-10-2021

(Chinhphu.vn) - Giai đoạn 2016-2020, Bộ KH&CN đã phê duyệt triển khai 7 chương trình KH&CN trọng điểm do Bộ trực tiếp quản lý, trong đó Chương trình “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội” là chương trình khoa học xã hội nhân văn duy nhất.

Hội nghị Tổng kết Chương trình “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội”

GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Chủ nhiệm Chương trình cho biết, qua 5 năm thực hiện, 52 đề tài của Chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, 40% đề tài có kết quả đóng góp trực tiếp, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; 80% đề tài có kết quả gồm các kiến nghị, giải pháp, mô hình và sản phẩm khoa học góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách ở bộ, ngành, địa phương.

90% số đề tài có kết quả cung cấp những luận giải cho việc nâng cao nhận thức lý luận và thực tiễn, góp phần phát triển khoa học xã hội và nhân văn. Gần 400 bài báo trong nước và quốc tế từ kết quả nghiên cứu của các đề tài đã được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế… 100% đề tài bảo đảm chỉ tiêu đào tạo sau đại học, tham gia đào thạc sĩ và tiến sĩ; trong đó, đã tham gia đào tạo 95 tiến sĩ và 144 thạc sĩ…

Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, Chương trình đã bám sát 4 nội dung nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học về vấn đề trọng yếu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; đề xuất chính sách và giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức, quản lý, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác hoạch định, thực thi chính sách vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

100% đề tài thuộc chương trình tạo ra các sản phẩm khoa học đặc thù, trong đó có bản đồ, các mô hình chuỗi sản phẩm du lịch nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long làm tài liệu cho các cơ quan quản lý du lịch trên địa bàn.

Toàn bộ kết quả nghiên cứu trong chương trình được chuyển giao cho các ban, bộ, ngành Trung ương phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách. Một số kết quả được chuyển giao cho doanh nghiệp và địa phương để ứng dụng vào thực tế.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá, sau 5 năm thực hiện, chương trình đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Nhiều đề tài có kết quả nghiên cứu mới; một số đề tài đã kịp thời cung cấp kết quả nghiên cứu cho việc phục vụ công tác soạn thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như xây dựng và hoàn thành các chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển của bộ, ngành và địa phương.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng đề nghị chương trình cần được tiếp tục thực hiện và tập trung giải quyết các vấn đề trọng điểm cấp quốc gia trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nhằm đề xuất các chủ trương, chính sách, giải pháp thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đồng thời, các nghiên cứu cần hướng đến các vấn đề mang tính dài hạn, xuyên suốt nhằm phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững gắn với khai thác và phát triển các giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Đặc biệt, chương trình cần thực sự tạo ra các kết quả mang tính dẫn dắt, định hướng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa và con người Việt Nam trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng nền kinh tế tri thức, hội nhập./.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Số lượt xem:877

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔNG TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kon Tum - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Giám đốc Trung tâm.
Địa chỉ: 88 Hai Bà Trưng – phường Quyết Thắng – tp Kon Tum – tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862890Email: trungtamnuockt@gmail.com.

70605 Tổng số người truy cập: 492 Số người online:
TNC Phát triển: