Hệ quả là thuế Nhà nước không thu được bao nhiêu, nhưng hậu quả để lại rất lớn: Hệ thống đường giao thông bị hư hỏng, ô nhiễm môi trường luôn đè nặng lên cuộc sống người dân như vùng mỏ đá, đất ở xã Chư Hreng (TP. Kon Tum); vùng mỏ đá ở xã Đăk Choong (Đăk Glei); khai thác cát ở các phường Trường Chinh, Thắng Lợi (TP. Kon Tum)...
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum cho biết, trong số trên 700 dự án đầu tư mới tất cả đều được lập và thẩm định về môi trường đúng theo qui định của pháp luật. Trong đó, số báo cáo đánh giá tác động môi trường do UBND tỉnh phê duyệt 77 dự án; báo cáo tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt là 9 dự án; số bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường do Sở Tài nguyên và môi trường cấp phiếu xác nhận là 498 dự án; và số bản cam kết bảo vệ môi trường do UBND các huyện, thị xác nhận là 181 dự án
Tuy nhiên kiểm tra hàng năm cho thấy, hầu hết các dự án sau khi có quyết định phê duyệt báo cáo tác động môi trường của UBND tỉnh đều chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ dự án, “phớt lờ” chuyện đầu tư các công trình xử lý môi trường đúng như báo cáo tác động môi trường, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường-cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Một số nhà máy có đầu tư nhưng mang tính chất tạm bợ hoặc đối phó với cơ quan quản lý, vì vậy hầu hết các hệ thống xử lý chất thải đều không đạt theo yêu cầu, quá trình hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường
Tại bãi vàng Pô Kô nằm ngay dưới chân núi Sạc-ly huyền thoại, giáp ranh giữa 2 làng Kon Tu Pen và Kon Tu Zốp 1 (thuộc địa phận xã Pô Kô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum), chúng tôi có dịp theo chân đoàn kiểm tra của Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Kon Tum vào thời điểm tháng 2/2009, đây là một trong số ít những bãi vàng có trữ lượng khá lớn ở Kon Tum. Vì thế, nơi đây đã từng xảy ra tình trạng khai thác vàng bừa bãi đi cùng với tình hình mất an ninh trật tự, nạn ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm môi trường của dòng Pô Kô chảy ngang qua chân núi Sạc-ly, nơi thượng nguồn của nhiều nhánh sông đổ về xuôi... Hiện nay Kon Tum đã lập lại kỷ cương nơi đây và đã giao cho đơn vị chủ quản quản lý khai thác, nhưng hệ quả của những năm tháng “vàng tặc” hoành hành thì còn lâu mới khắc phục được!
Một bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản với gam màu rất sáng ở Kon Tum là đã rõ. Thế nhưng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực hết sức, đạt được những kết quả nhất định và góp phần không nhỏ vào sự sự nghiệp phát triển chung của tỉnh, tuy nhiên hoạt động của ngành công nghiệp khai khoáng ở Kon Tum vẫn còn nhiều bất cập. Trước hết trong công tác thăm dò, việc thực hiện các đề tài nghiên cứu về địa chất của Trung ương và địa phương còn rời rạc, phân tán, không tập trung một đầu mối, tài liệu thiếu tính hệ thống; việc chuyển giao tài liệu từ Trung ương về địa phương không kịp thời, làm nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, không quản lý được nguồn tài nguyên. Các đề tài điều tra, nghiên cứu ứng dụng về khoáng sản của ngành khoa học và công nghệ trong thời gian qua cũng chỉ dừng lại ở mức độ là đề tài khoa học định tính, chứ chưa định lượng. Đến nay chưa có một đánh giá tổng quát và có hệ thống để làm cơ sở cho công tác lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản
Trước tình hình trên, đầu tháng 10/2008 UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành những quy định, hướng dẫn việc: "Quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến một số khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2015" theo Quyết định số 47/2008/QĐ-UBND ngày 3/10/2008 của UBND tỉnh Kon Tum
Máy xay đá và đãi vàng đang hoạt động tấp nập tại bãi vàng Pô Kô (tháng 2/2009).
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Bộ: Về định hướng phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trong thời gian tới phải phù hợp với quy hoạch khoáng sản của quốc gia và quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; phù hợp với yêu cầu củng cố an ninh quốc phòng, bảo vệ các công trình văn hoá, bảo vệ môi trường sinh thái tại các địa bàn có khoáng sản. Trước mắt, Kon Tum sẽ tổ chức thăm dò các mỏ đã qua tìm kiếm đánh giá và xác định được triển vọng khoáng sản hoặc các mỏ, điểm quặng đang được các nhà đầu tư quan tâm, để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật. Cùng với việc tăng cường công tác quản lý khai thác, chế biến khoáng sản, Kon Tum sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt đối với các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, chế biến khoáng sản và người dân ở các vùng giàu tiềm năng khoáng sản, nhằm quản lý tốt hoạt động khai thác, xuất khẩu khoáng sản, tập trung xuất khẩu khoáng sản theo một đầu mối để đảm bảo tính thống nhất và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong khai thác, chế biến khoáng sản.
Việc thẩm định phê duyệt các dự án đầu tư hoạt động khoáng sản phải gắn liền với phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; có giải pháp hợp lý về bảo vệ môi sinh môi trường trong hoạt động khoáng sản; có biện pháp chế tài đủ mạnh để chấn chính, hoặc thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản đối với các DN không chấp hành đúng pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như không thực hiện đúng nội dung cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường
Việc ban hành và áp dụng quy chế đấu giá mức nộp ngân sách trong khai thác khoáng sản và quy định mới về quản lý khoáng sản để phù hợp với các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Khoáng sản, góp phần thực hiện tốt hơn việc quy hoạch, khai thác khoáng sản trên địa bàn theo Chỉ thị Số: 26/CT-TTg ngày 1/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, cũng là hướng là mà tỉnh đặc biệt quan tâm