banner
Thứ 7, ngày 16 tháng 11 năm 2024
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai kết luận của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
5-9-2022

 

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum vừa ban hành Văn bản số 2850/UBND-KGVX ngày 30/8/2022 về việc triển khai kết luận của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Phiên họp thứ 16 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Phiên họp thứ 16 về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Thông báo số 246/TB-VPCP ngày 12 tháng 8 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ) và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 (Công điện số 755/CĐ-TTCP ngày 25 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ); Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các cơ quan, đơn vị, địa phương:

Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, thể hiện trách nhiệm, thống nhất về nhận thức và hành động trong phòng, chống dịch bệnh. Tập trung nắm chắc tình hình, diễn biến dịch bệnh, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống dịch đã được ban hành, nhất là thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2022 của Chính phủ về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Kế hoạch số 922/KH-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Nghị quyết số 38/NQ-CP của Chính phủ. Cơ quan, đơn vị, địa phương nào không kịp thời kiểm soát, để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Nhân dân.

Tiếp tục khẳng định và quán triệt các quan điểm chỉ đạo theo kết luận của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: (1) Kiên quyết, kiên trì, kiên định kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; (2) Đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; (3) Phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở; (4) Tiêm chủng vắc xin phòng ngừa dịch bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân; tổ chức đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động tiêm vắc xin và phòng, chống dịch.

Rà soát các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với các vấn đề vượt thẩm quyền để kịp thời giải quyết.

2. Sở Y tế

Phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên để bảo đảm đủ số lượng, phân bổ kịp thời vắc xin phòng COVID-19; tăng cường đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy tổ chức tiêm vắc xin tại các địa phương. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các địa phương bảo đảm tiến độ tiêm chủng theo chỉ đạo của Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh và không để vắc xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí.

Chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới; đánh giá nghiêm túc, thực tế, khách quan về tình hình dịch bệnh để chủ động rà soát, cập nhật kịch bản phòng, chống dịch và tham mưu, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả; đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 128-NQ/CP của Chính phủ; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong; phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur lấy mẫu, giải trình tự gen, phát hiện sớm các biến thể mới của SARS-CoV-2.

Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh, nhất là nguy cơ do các biến thể mới gây ra, các biện pháp phòng, chống dịch.

3. Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Theo chức năng nhiệm vụ chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, bảo đảm người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở và đảm bảo các chế độ, chính sách cho lực lượng phòng, chống dịch, nhất là cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở, cán bộ y tế tại các cơ sở điều trị.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum và các cơ quan báo chí: Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân và các cấp, các ngành trong phòng, chống dịch. Chú trọng truyền thông những thành tựu, kết quả đã đạt được của các cấp, các ngành và Nhân dân; đồng thời biểu dương, lan tỏa các điển hình người tốt việc tốt, những tấm gương hy sinh, cống hiến vì tính mạng, sức khỏe người dân, nêu cao tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, vượt qua khó khăn, thách thức. Các cơ quan báo chí, truyền thông bố trí thời lượng, thời điểm phát sóng phù hợp để tuyên truyền đẩy mạnh tiêm vắc xin, tác dụng, hiệu quả của vắc xin trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong để khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền: Tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; đảm bảo hoàn thành việc thực hiện chính sách hỗ trợ, giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động trên địa bàn tỉnh[1] theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số  2479/UBND-KGVX ngày 01 tháng 08 năm 2022.

6. Công an tỉnh: Bảo đảm an toàn, an ninh, an dân trong phòng, chống dịch bệnh; ngăn chặn, đấu tranh kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, xuyên tạc, thông tin sai sự thật để chống phá Đảng, Nhà nước.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn, bảo đảm tiến độ tiêm chủng theo chỉ đạo của Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn của Sở Y tế. Chỉ đạo các cấp chính quyền trên địa bàn đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người; tiếp tục khẩn trương tổ chức tiêm chủng lưu động, tại vùng có tỷ lệ tiêm thấp mũi 2 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ người 18 tuổi trở lên để bảo đảm mục tiêu đề ra.

Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tạo sinh kế, công ăn việc làm, đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn.

8. Sở Tài chính, Sở Y tế theo chức năng nhiệm vụ: Đảm bảo tài chính, hậu cần phòng, chống dịch; rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định để bảo đảm công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong phòng, chống dịch.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy: Tiếp tục chỉ đạo triển khai vận động các nguồn lực cho phòng, chống dịch theo chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai hiệu quả công tác dân vận, nắm chắc tình hình cơ sở; tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, động viên, biểu dương người tốt, việc tốt.

                                                                                                                                                       LVT



[1] theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Số lượt xem:1312

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔNG TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kon Tum - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Giám đốc Trung tâm.
Địa chỉ: 88 Hai Bà Trưng – phường Quyết Thắng – tp Kon Tum – tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862890Email: trungtamnuockt@gmail.com.

70658 Tổng số người truy cập: 184 Số người online:
TNC Phát triển: