Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, ngày 29/6/2020, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch số 2298/KH-UBND về khoa học và công nghệ tỉnh Kon Tum năm 2021. Trong đó, kế hoạch xác định những nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu triển khai trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh gồm:
Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh
Các sở, ngành, các trường, các huyện, thành phố, các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đề xuất đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh và đặt hàng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, cụ thể:
- Nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh chuyển tiếp thực hiện trong năm 2021: gồm 17 nhiệm vụ: Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, cây ăn quả an toàn theo chuỗi giá trị tại huyện Kon Plông; Khảo sát thành phần hóa học, xây dựng qui trình định lượng saponin trên thân, lá Sâm Ngọc Linh làm cơ sở khoa học cho các sản phẩm ứng dụng; Hoàn thiện quy trình chiết xuất dịch chiết từ Đảng sâm, nấm Đông trùng hạ thảo và đề xuất các sản phẩm ứng dụng trong chế biến; Xây dựng mô hình trồng cây Lan Kim tuyến dưới tán rừng tại 02 huyện Kon Plong, Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum; Đánh giá miễn dịch cộng đồng đối với bệnh bạch hầu trong cộng đồng dân cư tỉnh Kon Tum; Xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá niên trên địa bàn huyện Kon Plong; Mô hình thử nghiệm nuôi tôm càng xanh (Macro bracchiumrosenbergii trong ao đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Sản xuất thử nghiệm cà phê lên men và cà phê tách vỏ Honey bởi chế phẩm BIOCO; Trồng thực nghiệm Sâm cau dưới tán rừng trên một số tiểu vùng sinh thái của tỉnh Kon Tum; Đánh giá chọn lọc nếp than trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Xây dựng quy trình bảo quản tươi dược liệu dạng củ (Sâm Ngọc Linh) trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Điều tra hiện trạng phân bổ, đề xuất giải pháp bảo tồn quần thể loài bò tót tại vườn Quốc gia Chư Mom Ray; Nghiên cứu ứng dụng giải pháp sinh học trong phòng chống sinh vật hại phục vụ sản xuất một số loại cây trồng hàng năm chủ lực theo hướng hữu cơ, an toàn và bền vững tại tỉnh Kon Tum; Ứng dụng công nghệ sinh học hoàn thiện quy trình nhân giống nuôi trồng nấm mối đen tại tỉnh Kon Tum; Đánh giá khả năng thích nghi và đề xuất các giải pháp sử dụng đất hợp lý trên các dạng lập địa trồng cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nhân giống, sản xuất dược liệu Gấc theo chuẩn GACP WHO tại tỉnh Kon Tum; Đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận “Gạo thơm Đăk Hà”, tỉnh Kon Tum.
- Nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh đăng ký thực hiện trong năm 2021: dự kiến triển khai 05 nhiệm vụ.
Một số sản phẩm khoa học và công nghệ của tỉnh Kon Tum
Kế hoạch triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN
1. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Chương trình số 47-CTr/TU, ngày 09/4/2013 của Tỉnh ủy khóa XIV thực hiện các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 6 khóa XI; Quyết định số 1466/QÐ-UBND ngày 23/12/2019 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; tổ chức thực hiện tốt Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của bộ, ngành trung ương về thực hiện Luật KH&CN năm 2013 và các luật, nghị định, các văn bản liên quan KH&CN đã được cấp thẩm quyền ban hành. Tổ chức triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách mới về KH&CN. Định kỳ kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Xác định KH&CN là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Tập trung các nguồn lực để triển khai các định hướng phát triển KH&CN chủ yếu trong thời gian đến:
- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại, trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực có thế mạnh như: công nghệ sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo quản, chế biến nông sản, dược liệu và các sản phẩm chủ lực khác của tỉnh; các sản phẩm/dịch vụ viễn thông/công nghệ thông tin trọng điểm để nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
- Nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả công nghệ sinh học (CNSH) vào sản xuất và đời sống; đa dạng hóa đầu tư phát triển CNSH, tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNSH; ứng dụng và chuyển giao các thành tựu CNSH trong và ngoài nước phục vụ phát triển bền vững trong y tế, nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp chế biến gắn với công tác bảo vệ môi trường, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ cao, bền vững và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
- Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN đáp ứng yêu cầu trong công tác bảo tồn, phát triển và chế biến các sản phẩm dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm dược liệu có chất lượng, có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Phát triển, chế biến dược liệu của tỉnh, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo, bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. Hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp tham gia triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến dược liệu, trong đó ưu tiên các loại dược liệu chủ lực của tỉnh, như: sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Đương quy, Nghệ vàng… và một số loại dược liệu có thế mạnh, sức tiêu thụ lớn trên thị trường.
- Ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có liên quan đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dược liệu; ứng dụng các tiến bộ và chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ trong, ngoài nước vào thực tế sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
3. Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học với các Trường Đại học, các Viện có uy tín; đẩy mạnh hợp tác chuyển giao ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trên một số lĩnh vực trọng yếu như: nông, lâm nghiệp; công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, công nghệ thông tin; y-dược...
4.Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Kon Tum giai đoạn tới, trong đó tập trung đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đặc thù, sản phẩm chủ lực của tỉnh và các địa phương trong tỉnh.
5. Phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”; Kế hoạch số 2763/KH-UBND ngày 21/10/2019 về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kon Tum giai đoạn 2019 - 2025”; Quyết định số 414/QĐ-UBND ngày 17/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum vềChương trình hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017 - 2020. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để tiếp tục cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo của tỉnh.
6. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghệ cao; đẩy mạnh hoạt động ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và lĩnh vực công nghệ cao.
- Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen để thu hút đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Ưu tiên các nguồn lực để đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, phòng trừ dịch hại, chế biến, bảo quản nông sản, xử lý môi trường.
7. Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học với các Trường Đại học, các Viện có uy tín; đẩy mạnh hợp tác chuyển giao ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trên một số lĩnh vực trọng yếu như: nông, lâm nghiệp; công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, công nghệ thông tin; y-dược...
8. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của ngành.
Các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển KH&CN
Năm 2021 dự kiến triển khai thực hiện 02 dự án đầu tưphát triển KH&CN:
- Dự án chuyển tiếp: Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại thành phố Kon Tum”. Dự án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1139/QĐ-UBND ngày 17/10/2019.
- Dự án đầu tư mới từ năm 2021: “Nâng cao năng lực kiểm định, thử nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học và công nghệ tỉnh Kon Tum”. Quy mô/công suất: Đầu tư trang thiết bị để đủ năng lực thực hiện kiểm định được 80% các trang thiết bị y tế; 80% trang thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Đầu tư trang thiết bị để đủ năng lực thực hiện phân tích, thử nghiệm mẫu vàng, các chỉ tiêu an toàn thực phẩm… và mở rộng thêm chỉ tiêu thử nghiệm mẫu phân bón, nước sinh hoạt. Thời gian thực hiện từ năm 2021./.
Hồng Vân