Ngày 21 tháng 7 năm 2021, Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Văn bản số 123-CV/TU về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Văn bản nêu: hiện nay, dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, đã xuất hiện một số ca mắc trên địa bàn tỉnh; để triển khai có hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu:
1. Các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy; các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy lãnh đạo tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần chủ động, quyết liệt, mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả, quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tuyệt đốikhông lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong bất kỳ tình huống nào; căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động tổ chức thực hiện tốt các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
2. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh; Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh lãnh đạo
Thực hiện tốt việc tổ chức cách ly, điều trị khỏi bệnh các ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh, không để lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, khu cách ly; tập trung nguồn lực truy vết nhanh, gọn, đầy đủ các trường hợp tiếp xúc với ca mắc COVID-19 để cách ly, theo dõi sức khỏe, tuyệt đối không bỏ sót, lọt các đối tượng này và khoanh vùng dịch tễ, khử trùng kịp thời theo đúng quy định, quyết tâm không để dịch lây lan trên địa bàn.
Lãnh đạo toàn diện về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Nhận định, đánh giá, dự báo đúng tình hình dịch để rà soát, hoàn thiện lại các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch và triển khai các biện pháp phù hợp với từng cấp độ dịch; trong đó, chủ động rà soát, sẵn sàng kích hoạt các khu cách ly tập trung của tỉnh, xây dựng phương án thành lập thêm các bệnh viện dã chiến và bố trí nhân lực, trang thiết bị để kịp thời điều trị cho các ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường lãnh đạo việc kiểm soát tại các chốt liên ngành kiểm soát dịch COVID-19; nghiên cứu, thành lập thêm các chốt và bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở vào địa bàn tỉnh, không để lọt các trường hợp có nguy cơ mắc COVID-19 vào địa bàn tỉnh.
Huy động cả hệ thống chính trị, Tổ công táccộng đồng phòng, chống dịch COVID-19 triển khai quyết liệt, thường xuyên hơn nữa phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; quản lý chặt chẽ các hộ gia đình, nắm chắc thông tin của từng người dân, phát hiện ngay người về địa bàn từ các tỉnh, thành phố đang có ca COVID-19 cộng đồng hoặc tiếp xúc gần với ca bệnh để thông tin kịp thời cho chính quyền địa phương triển khai biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, lãnh đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả phương châm 4 tại chỗ "Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ" trong công tác phòng, chống dịch tại địa bàn quản lý.
Chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, có giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hoàng hóa trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá.
3. Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh;Ban Thường vụ Tỉnh đoàn; Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy lãnh đạo tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền rộng rãi về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh để người dân không lo lắng, hoang mang, nâng cao cảnh giác và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch; không nên tích trữ hàng hóa; thông tin ngaycho chính quyền địa phương nếu phát hiện tại địa bàn có người về từ các tỉnh, thành phố đang có ca COVID-19 cộng đồng hoặc tiếp xúc gần với ca bệnh.
LVT