banner
Thứ 6, ngày 15 tháng 11 năm 2024
Thực hiện Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
11-5-2023

Ngày 8/5/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 1309/KH-UBND về việc thực hiện Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

 

Theo đó, thực hiện Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 (sau đâu gọi tắt là Đề án), Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Kon Tum, cụ thể như sau:

 

Nhằm mục đích cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án; làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. UBND tỉnh đề ra một số mục tiêu cụ thể gồm:

 

- Đẩy mạnh hoạt động triển khai áp dụng mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

 

- Phát triển hạ tầng, cải tiến công nghệ phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng để quản lý tập trung, xuyên suốt, đồng bộ phục vụ hiệu quả công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.

 

- 100% đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử được đào tạo, trang bị kiến thức về thương mại điện tử, có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

- 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử, pháp luật chuyên ngành đối với các hàng hóa do tổ chức, cá nhân kinh doanh; 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình.

 

Để triển khai thực hiện đạt được các mục tiêu trên, UBND đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

 

1. Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; phát triển hạ tầng, thiết bị bảo đảm an ninh an toàn thông tin phục vụ công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.

 

2. Nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong hoạt động thực thi pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.

 

3. Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan.

 

4. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử.

 

Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh): Theo dõi, đôn đốc các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc thực hiện các nội dung của Kế hoạch; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý những vấn đề phát sinh, vướng mắc, những vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều cơ quan, địa phương.

 

UBND tỉnh giao Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Đề án; phối hợp các sở, ngành, cơ quan kiểm tra, kiểm soát việc bán hàng trên môi trường thương mại điện tử, đặc biệt đối với các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; tuyên truyền, phổ biến các quy định của nhà nước nhằm nâng cao trách nhiệm chấp hành pháp luật của các chủ thể trong hoạt động thương mại điện tử; nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo, tài liệu và tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức kỹ năng, phương pháp thực thi công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.

 

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức, thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, đặc biệt đối với các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn và các trang mạng xã hội; chủ động triển khai các giải pháp để huy động nguồn lực xã hội tham gia thực hiện Kế hoạch, bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thông tin cũng như hiệu quả của Kế hoạch.

 

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; theo dõi, đánh giá hiệu quả việc triển khai thi hành pháp luật về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch.

 

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì và phối hợp với Sở Công Thương tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử;  Phối hợp cung cấp thông tin trong việc xử lý các vi pham về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa; mã số, mã vạch; truy xuất nguồn gốc và quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, hàng hóa...

Số lượt xem:714

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔNG TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kon Tum - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Giám đốc Trung tâm.
Địa chỉ: 88 Hai Bà Trưng – phường Quyết Thắng – tp Kon Tum – tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862890Email: trungtamnuockt@gmail.com.

70579 Tổng số người truy cập: 164 Số người online:
TNC Phát triển: