Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum (01/11/1991-01/11/2021), Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Bùi Thanh Bình, Giám đốc Sở về quá trình 30 năm xây dựng và phát triển của Sở đến quí bạn đọc.
SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH KON TUM 30 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Ngày 12/8/1991, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội (khoá VIII) đã ra Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, tỉnh Kon Tum được thành lập lại trên cơ sở chia tách tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum. Tỉnh Kon Tum khi mới thành lập lại có 5 đơn vị hành chính cấp huyện là thị xã Kon Tum và các huyện: Đăk Tô, Đăk Glei, Sa Thầy, Kon Plông. Sau 30 năm xây dựng và phát triển tỉnh Kon Tum hiện có 01 thành phố (thành phố Kon Tum ) và 9 huyện, gồm: Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Sa Thầy, Kon PLông, Kon Rẫy và Ia H’Drai. Kon Tum là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới, nằm ở phía bắc Tây Nguyên trong toạ độ địa lý từ 107020'15" đến 108032'30" kinh độ đông và từ 13055'10" đến 15027'15" vĩ độ bắc. Kon Tum có diện tích tự nhiên 9.676,5 km2, chiếm 3,1% diện tích toàn quốc, phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam (chiều dài ranh giới 142 km); phía nam giáp tỉnh Gia Lai (203 km), phía đông giáp Quảng Ngãi (74 km), phía tây giáp hai nước Lào và Campuchia (có chung đường biên giới dài 280,7 km). Dân số 2020 khoảng 555 ngàn người. GRDP bình quân đầu người khoảng 2.025 USD.
Sau khi thành lập lại tỉnh Kon Tum, tháng 10/1991, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Gia Lai - Kon Tum quyết định điều chuyển 07 cán bộ thuộc Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai - Kon Tum về tỉnh Kon Tum. Ngày 01/11/1991, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 06/QĐ-UB về việc thành lập các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, trong đó có Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum. Ngày 11/10/1993, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 99/QĐ-UB về việc tổ chức lại Ban Khoa học và Kỹ thuật thành Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Kon Tum. Ngày 02/4/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 45/2003/QĐ-TTg về việc thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường và đổi tên Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường thành Sở Khoa học và Công nghệ thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngày 06/8/2003, UBND tỉnh Kon Tum có Quyết định số 31/QĐ-UB quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ có Văn phòng (Phòng Tổ chức - Hành chính - Tổng hợp); Thanh tra Sở; Phòng Quản lý Khoa học, Công nghệ (bao gồm cả an toàn bức xạ, hạt nhân); Phòng Thông tin tư liệu - Sở hữu công nghiệp và 02 đơn vị trực thuộc là Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Trung tâm Ứng dụng khoa học và Chuyển giao công nghệ. Qua nhiều lần kiện toàn, sắp xếp bộ máy, có lúc Sở có 6 phòng chuyên môn, 4 đơn vị trực thuộc (Chi cục, Trung tâm ứng dụng KH&CN, Trung tâm Thông tin KH&CN, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng), nay còn 5 phòng (Phòng Hành chính - Tổng hợp; Phòng Quản lý Khoa học; Phòng Quản lý Công nghệ; Phòng Tiêu chuẩn, Đo lường,Chất lượng; Thanh tra Sở) và 01 đơn vị sự nghiệp (Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN).
Khi mới thành lập Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum (11/1991) chỉ có 7 công chức được điều động từ Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai - Kon Tum lên. Qua 30 năm hoạt động đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Sở, đơn vị trực thuộc được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, Sở có 30 công chức, đơn vị sự nghiệp có 11 viên chức và 13 lao động hợp đồng. Có 10 thạc sỹ, còn lại là đại học, cao đẳng.
Ngày mới thành lập Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, đồng chí Phạm Ngọc Minh được phân công làm Quyền Trưởng ban, tháng 4/1992, UBND tỉnh quyết định điều động và bổ nhiệm đồng chí Ngô Binh, Phó Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, giữ chức Trưởng ban, đồng chí Phạm Ngọc Minh, Phó Trưởng ban. Tháng 10/1993, sau khi tổ chức lại Ban Khoa học và Kỹ thuật thành Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đồng chí Ngô Binh giữ chức Giám đốc, đồng chí Phạm Ngọc Minh - Phó Giám đốc. Năm 1996, đồng chí Ngô Binh chuyển công tác về thị xã Kon Tum, đồng chí Phạm Ngọc Minh được bổ nhiệm Giám đốc Sở đến tháng 6/2007. Năm 2007 - 2013, đồng chí Nguyễn Văn Hách giữ chức Giám đốc Sở. Năm 2013 - 2018, đồng chí Trần Thị Tuyết giữ chức Giám đốc Sở. Từ 2019 đến nay, đồng chí Bùi Thanh Bình giữ chức Giám đốc Sở. Các Phó giám đốc Sở có đồng chí Nguyễn Thị Ngà (1994 - 2006); Nguyễn Phi Hùng (2006 - 2009), Huỳnh Trung Kim (2007 đến nay), Đoàn Trọng Đức (2014 đến nay), Hoàng Dũng (2014 đến nay).
30 năm dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, hỗ trợ của các cấp, các ngành; sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu không ngừng của tập thể Lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Sở và các đơn vị trực thuộc, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững. Có thể chia các giai đoạn phát triển của KH&CN tỉnh 30 năm qua như sau:
1. 10 năm đầu khai phá (1991-2000): Sau khi thành lập lại tỉnh, tiềm lực KH&CN của tỉnh hầu như không có gì. Mất vài năm củng cố, định hình, các năm tiếp theo KH&CN tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên đất, nước, rừng, khí hậu, dân tộc, văn hóa, tôn giáo,… cung cấp cơ sở khoa học cho việc xác định chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đầu trong phạm vi toàn tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (1995-2000) đã xác định và đưa vào quy hoạch, phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng, tiểu vùng như: cao su, cà phê, mì, mía, các giống bò lai cho năng suất cao, chất lượng tốt. Các lợi thế về rừng được quản lý, khai thác hiệu quả, đóng góp giá trị lớn vào tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề tích lũy cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Bình quân tăng trưởng kinh tế giai đoạn này 9,5%/năm. Giai đoạn này có một lĩnh vực mới được Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh đi tiên phong, đó là tiến hành đào tạo một lực lượng khá lớn cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh về Công nghệ thông tin, tạo nền tảng để tỉnh ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào công tác quản lý, chuyên môn, tạo nên làn sóng mới thay đổi môi trường, phương pháp làm việc và nâng cao rõ rệt hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Một số mẫu khoáng sản của địa phương
|
Hoạt động điều tra cơ bản
|
|
Triển khai dự án xây dựng mô hình sản xuất giống lúa DR2
|
2. 10 năm hiện thực hóa tiềm năng (2001 - 2010): Giai đoạn này công tác điều tra tài nguyên khoáng sản được chú trọng cùng với tiếp tục đẩy mạnh thử nghiệm, khảo nghiệm một số giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Một số sản phẩm công nghiệp (điện, thủy điện, vật liệu xây dựng, mía đường…) bắt đầu được đầu tư và phát triển. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, các di tích lịch sử, văn hóa được bảo tồn, phát huy, thúc đẩy lĩnh vực du lịch phát triển mạnh mẽ. Các tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội dần được hiện thực hóa, tăng trưởng kinh tế giai đoạn này khá cao so với thời điểm bấy giờ. Bình quân tăng trưởng kinh tế giai đoạn này là 13,2% /năm, tăng 3,7%/năm so giai đoạn trước, là giai đoạn tăng cao nhất trong 3 giai đoạn phát triển của tỉnh.
|
|
Cá lăng nha
|
Mô hình Ngô lai
|
3. 10 năm phát triển, ứng dụng chiều sâu (2011-2021): Kế thừa, phát triển thành tựu giai đoạn 2001-2010, giai đoạn 2010-2020, KH&CN cũng như nhiều lĩnh vực khác chịu tác động mạnh mẽ của những khó khăn, thách thức toàn cầu, nhưng cũng biết tận dụng cơ hội của hội nhập quốc tế, thành tựu của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư…, chuyển trọng tâm sang nghiên cứu, ứng dụng chiều sâu để phát triển hiệu quả. Giai đoạn này, KH&CN đã có nhiều đổi mới, phần lớn các nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng đều gắn với doanh nghiệp, với tổ chức áp dụng cụ thể. Công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, sản phẩm mới, kỹ thuật mới trong y tế…được ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất, quản lý, dịch vụ. Vai trò và đóng góp của KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh không ngừng tăng lên. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2010-2015 là 27,68%; 2015-2020 là 37,82%, tính chung giai đoạn 2010-2020 là 33.13%.
|
|
Mô hình trồng Ngũ Vị tử
|
Cây giống nuôi cấy mô Sâm Ngọc Linh
|
Hầu hết các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của tỉnh, các địa phương được đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, tạo tiền đề nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu để vươn ra thị trường trong nước và thế giới (đã đăng ký bảo hộ được 02 chỉ dẫn địa lý, 11 Nhãn hiệu chứng nhận, đang xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Gạo thơm Đăk Hà, Dệt thổ cẩm Kon Tum và Yến sào Kon Tum. Ngoài ra có hàng trăm sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp, hộ sản xuất đã đăng ký nhãn hiệu; hàng chục sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên được sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận OCOP Việt Nam). Tiềm lực KH&CN được tăng cường, kinh phí dành cho KH&CN ngày một tăng. Hợp tác KH&CN giữa tỉnh với các Viện nghiên cứu, trường Đại học được mở rộng, tăng cường. Hoạt động sáng kiến, đổi mới sáng tạo có tiềm năng phát triển. Nền tảng để chuyển giao, ứng dụng KH&CN của doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ ngày một nâng cao là tiền đề thúc đẩy KH&CN phát triển trong giai đoạn mới.
Tuy còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng xét dưới góc độ tiềm lực KH&CN hiện có của tỉnh thì những thành quả đạt được nêu trên có ý nghĩa quan trọng, rất đáng khích lệ. Để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suât, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định, trong thời gian tới ngành KH&CN tỉnh Kon Tum quyết tâm phấn đấu tham mưu tổ chức triển khai có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, bám sát Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020-2025, tập trung tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch thuộc lĩnh vực KH&CN đã được UBND tỉnh ban hành và sẽ ban hành trong thời gian tới. Trọng tâm là các chương trình, kế hoạch, đề án sau: Chương trình ứng dụng khoa học và công nghệ hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình tổng thể về hợp tác của các Trường Đại học, các viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận ứng dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới công nghệ; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030;Đề án “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh Kon Tum”; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai doạn 2021-2030; Kế hoạch phát triển KH&CN tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kon Tum giai đoạn 2019 - 2025”; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025; Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030; Kế hoạch Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; Kế hoạch Áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2030.
Lế ký kết chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Kon Tum với Trường Đại học Tây Nguyên trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh năm 2021
Hai là, quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả các tiềm lực KH&CN đã đầu tư.
Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ của ngành có trình độ, năng lực, tâm huyết, sáng tạo đáp ứng yêu cầu mới.
Bốn là, huy động sự tham gia mạnh mẽ của các cấp, các ngành, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp và người dân vào hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh.
Tập thể Công chức, Viên chức và Người lao động Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum năm 2021