Ngày 9/12/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 4204/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Theo đó, nhằm Phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, đồng bộ và thống nhất từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã và đồng bộ với Hệ thống thông tin nguồn Trung ương, trong một hệ sinh thái thông tin đa ngành, đa lĩnh vực, tương tác và phản ánh nhanh nhạy trước những tác động của đời sống kinh tế - xã hội, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước. Ủy ban nhân dân tỉnh đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là:
Phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại
Cấp xã: 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư; 100% Ủy ban nhân dân cấp xã có trang thông tin điện tử để phổ biến thông tin thiết yếu và tương tác với người dân; 100% phường, thị trấn và trên 70% xã có bảng tin điện tử công cộng để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân.
Cấp huyện: 100% huyện, thành phố có bảng tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, nàn hình LCD) được kết nối với Hệ thống thông tin nguồn tỉnh.
Cấp tỉnh: Đến năm 2023, có Hệ thống thông tin nguồn để quản lý tập trung và cung cấp thông tin thiết yếu cho hệ thống thông tin cơ sở của tỉnh.
Thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động thông tin cơ sở:
100% văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên và báo cáo, thống kê từ cơ sở về hoạt động thông tin cơ sở được thực hiện trên Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh.
100% đài truyền thanh cấp xã không dây FM chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói; chuyển ngữ nội dung phát thanh tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số.
Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra các nội dung thực hiện như: (1) Hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện của cơ sở truyền thông; (2) Thiết lập hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT) cấp xã; (3) Bảng tin điện tử công cộng; (4) Sử dụng mạng xã hội để tăng cường tương tác với người dân; (5) Trang thông tin điện tử cấp xã; (6) Thiết lập Cổng thông tin điện tử thông tin cơ sở của tỉnh kết nối, liên thông với Cổng thông tin điện tử thông tin cơ sở của Trung ương; (7) Phát triến nhân lực làm công tác thông tin cơ sở.
Trên cơ sở các nội dung thực hiện, cần triển khai các biện pháp như:
1. Giải pháp về chuyển đổi số hoạt động thông tin cơ sở: Thúc đẩy chuyển đổi số các hoạt động thông tin cơ sở, tập trung vào các nội dung sau:
Tổ chức, điều hành hoạt động quản lý nhà nước và đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên nền tảng quản lý công việc nội bộ.
Tổ chức hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn và cung cấp thông tin từ tỉnh đến cơ sở; đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở;
Tổ chức cung cấp tài liệu và các hình thức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ thông tin cơ sở.
Tổ chức hoạt động thu thập, tổng hợp và xử lý dữ liệu về ý kiến phản ánh của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở.
2. Giải pháp về huy động các nguồn lực phát triển
Nguồn Trung ương: Tranh thủ nguồn kinh phí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện các nội dung về thông tin cơ sở.
Nguồn địa phương: Kinh phí đối ứng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; kinh phí của địa phương chi đầu tư phát triển và bảo đảm kinh phí hằng năm duy trì hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn.
Nguồn xã hội hóa: Huy động các nguồn xã hội hóa hợp pháp để đầu tư phát triển hệ thống thông tin cơ sở; Vận động các doanh nghiệp công nghệ, truyền thông trong nước xây dựng các nền tảng, hạ tầng kỹ thuật hệ thống thông tin cơ sở, chính quyền địa phương thuê dịch vụ theo quy định.
3. Giải pháp về cung cấp thông tin; nâng cao chất lượng nội dung thông tin tuyên truyền, phổ biến trên đài truyền thanh cấp xã
Chú trọng tổ chức sản xuất, cung cấp thông tin thiết yếu trên các loại hình thông tin mới, hiện đại, kết hợp với các loại hình thông tin truyền thống, phù hợp với nhu cầu, điều kiện tiếp nhận thông tin của từng nhóm dân cư.
Đối với khu vực đô thị, khu vực dân cư đông đúc, cần rà soát, bố trí vị trí cụm loa, hướng loa không sát vào nhà dân; âm lượng, thời lượng, khung giờ, tần suất phát thanh phù hợp với đời sống sinh hoạt của người dân khu vực đô thị, khu vực đông dân cư (đặc biệt các khu vực giáp ranh với địa bàn các xã, phường, thị trấn); nội dung thông tin cần ngắn gọn, trọng tâm.
Ưu tiên phát thông tin trong các trường hợp khẩn cấp, thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của chính quyền. Đối với khu vực nông thôn, miền núi cần phát thêm những thông tin hướng dẫn việc nâng cao kiến thức kỹ thuật, công nghệ, kỹ năng cho người dân về lao động, sản xuất, kinh doanh; thông tin hướng dẫn các hoạt động về an sinh xã hội như cách phòng, chống dịch bệnh; thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội… trên địa bàn.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch. Hàng năm, căn cứ Kế hoạch 4222/KH-UBND và Kế hoạch này xây dựng kế hoạch phát triển thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện./.