Sáng ngày 15/4/2022, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh đối với đề tài “Đánh giá miễn dịch cộng đồng đối với bệnh bạch hầu trong cộng đồng dân cư tỉnh Kon Tum”
Ông Đoàn Trọng Đức – Phó giám đốc Sở KH&CN – Phó chủ tịch hội đồng, chủ trì cuộc họp. Cơ quan chủ trì là Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, TS. Lê Văn Tuấn làm chủ nhiệm đề tài.
Ông Đoàn Trọng Đức - PGĐ Sở KH&CN phát biểu trước Hội đồng
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện đề tài, cơ quan chủ trì đã tổ chức triển khai đầy đủ và hoàn thành các mục tiêu và nội dung theo thuyết minh gồm: (1) Đề tài đã đánh giá tỷ lệ miễn dịch cộng đồng đối với bệnh bạch hầu trong cộng đồng dân cư đang sinh sống tại tỉnh Kon Tum, 2019-2020 là kháng thể bảo vệ chống lại bệnh bạch hầu trong cộng đồng dân tỉnh Kon Tum là 36,0% ; (2) Đánh giá hiệu giá kháng thể kháng độc tố bạch hầu theo giới tính, dân tộc, nhóm tuổi, nghề nghiệp, tình trạng tiêm chủng vắc xin, 2019-2020. Trong đó, hiệu giá kháng thể trung bình nhân (GMT) kháng độc tố bạch hầu của nam giới là 0,06 IU/ml, của nữ giới là 0,05 IU/ml. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về GMT giữa nam giới và nữ giới (p>0,05). GMT ở nhóm dân tộc Ba Na là cao nhất với nồng độ 0,08 IU/ml, tiếp theo là nhóm dân tộc Kinh và Sơ Đăng lần lượt là 0,07 IU/ml và 0,05 IU/ml. GMT thấp nhất ở nhóm dân tộc khác với nồng độ 0,03 IU/ml; GMT cao nhất ở nhóm tuổi >60 và nhóm 6-10, lần lượt là 0,11 IU/ml; tiếp theo là nhóm 0-5 tuổi là 0,07 IU/ml. Nhóm tuổi 21 - 30 và 31 - 40 có GMT thấp nhất với nồng độ là 0,04 IU/ml; Người có trình độ Trung cấp/Cao đẳng/Đại học có GMT cao nhất với nồng độ đạt 0,19 IU/ml. Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về GMT theo trình độ học vấn của đối tượng nghiên cứu với p<0,05. Công chức/viên chức có GMT cao nhất (0,12 IU/ml), tiếp đến là nhóm trẻ còn nhỏ/học sinh/sinh viên (0,08 IU/ml). Nhóm công nhân/nông dân và nghề nghiệp tự do/thất nghiệp có GMT thấp lần lượt là 0,04 IU/ml và 0,05 IU/ml. Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về GMT giữa các nhóm nghề nghiệp của đối tượng nghiên cứu với p<0,05; Người có tiêm vắc xin đạt GMT là 0,26 IU/ml, cao hơn nhiều so với nhóm không tiêm với chỉ 0,03 IU/ml. Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về GMT giữa các nhóm tiêm vắc xin và không tiêm vắc xin với p<0,0001.
TS. Lê Văn Tuấn - chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả triển khai đề tài trước Hội đồng
Với kết quả đạt được của đề tài, các thành viên Hội đồng đã đánh giá đề tài đã hoàn thành và đảm bảo các mục tiêu và sản phẩm đặt hàng. Trong đó, các thành viên Hội đồng đánh giá rất cao về tính thiết thực của đề tài đã mang lại. Đồng thời, hội đồng cũng yêu cầu cơ quan chủ trì tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện lại báo cáo. Trong đó, cần chú ý một số ý kiến của hội đồng gồm: bổ sung làm một chương mới về Giải pháp và kiến nghị đối với ngành, tỉnh và các địa phương; Cập nhậ và bổ sung các số liệu thống kê và thống nhất số liệu giữa các bảng biểu và đánh giá. Thống nhất trong thuật ngữ,…
Kết thúc buổi họp, các thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu chấm điểm theo quy đinh với kết quả: Đạt./.