banner
Thứ 7, ngày 16 tháng 11 năm 2024
ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 3 VÀ QUÝ I NĂM 2023; PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU QUÝ II NĂM 2023.
30-3-2023

Sáng ngày 30-3-2023, đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ đánh giá thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội tháng 3 và quí I năm 2023. Kết quả:

Trong quý I năm 2023, đã cụ thể hóa, triển khai thực hiện kịp thời, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp được Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 02 tháng 12 năm 2022 "về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2023" và đạt được những kết quả quan trọng. Tiến độ thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh cơ bản đảm bảo và tăng so với cùng kỳ như: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP); tổng lượng khách du lịch, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu...; các chế độ, chính sách về an sinh xã hội và giảm nghèo được triển khai đầy đủ và đúng quy định; cơ sở vật chất giáo dục được quan tâm, đầu tư; các sự kiện, hoạt động chào mừng Kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum (09/02/1913 - 09/02/2023) được tổ chức thành công tốt đẹp; chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện, các dịch bệnh truyền nhiễm được kiểm soát tốt; cải cách thủ tục hành chính được thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ; kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, trong quý I, cũng còn một số hạn chế là:  Thu ngân sách nhà nước, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; hoạt động thu hút đầu tư còn nhiều khó khăn. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án quan trọng của tỉnh còn chậm. Tình trạng xây dựng công trình trái phép, tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường một số nơi vẫn còn diễn ra.

- Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, công tác xây dựng nông thôn mới chưa đạt yêu cầu. Tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp, cháy rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra, một số địa bàn vẫn có tiềm ẩn nguy cơ xâm hại rừng.

- Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; công tác giáo dục, đào tạo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, học lực của học sinh ở vùng sâu, vùng xa có chuyển biến nhưng chưa đồng đều. Giải quyết việc làm mới cho lao động còn thấp; Ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, đời sống chưa phổ biến. Tai nạn giao thông chưa được kiềm chế, tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước.

­Từ kết quả đạt được, những hạn chế nêu trên, tại phiên họp đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu quý II năm 2023 sau:

- Hoàn thành Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2023; Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025; rà soát, cập nhật bổ sung danh mục các dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025. Đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch chung Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông; Quy hoạch chung thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Kon Tum…

- Triển khai đồng bộ các giải pháp huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh tiến độ đấu giá các trụ sở nhà đất để tạo nguồn thu đầu tư kết cấu hạ tầng.

- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo nhà thầu đẩy mạnh thi công xây dựng công trình, kịp thời đưa vào khai thác, sử dụng; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định canh, tái định cư; tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

- Triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2023; chuẩn bị tốt các điều kiện, triển khai thực hiện trồng rừng, các loại cây chủ lực: cây dược liệu, cây ăn quả, cây mắc ca. Thực hiện nghiêm túc và quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và phòng, chống hạn hán, thiếu nước trong mùa khô năm 2023. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, dập tắt kịp thời, không để lây lan ra diện rộng khi có dịch bệnh xảy ra. Đẩy mạnh thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới đảm bảo kế hoạch đề ra.

- Tăng cường công tác quản lý về tài nguyên đất đai, khoáng sản và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; đẩy nhanh công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức và hộ gia đình, cá nhân.

- Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, trọng tâm là kêu gọi, thu hút đầu tư các nhà máy chế biến: Gỗ, trái cây, Sâm Ngọc Linh và dược liệu khác, sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp...; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện thủ tục liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh nhằm sớm triển khai các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án của các nhà đầu tư chiến lược… Tiếp tục đầu tư phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục; chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; xây dựng trường học an toàn, thân thiện. Tăng cường các biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023.

- Thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống các loại dịch bệnh trên người (giám sát, cách ly, xét nghiệm, tiêm vắc xin...); đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế, hoá chất, sinh phẩm xét nghiệm cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh. Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và thực hiện nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là chính sách ưu đãi người có công, chăm lo đời sống người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em mồ côi. Tăng cường công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; bảo đảm duy trì các dịch vụ trợ giúp xã hội. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, nhất là hỗ trợ định canh, định cư, đất ở, đất sản xuất, nhà ở đối với dân tộc thiểu số và hộ nghèo.

- Đảm bảo an toàn thông tin, ứng phó kịp thời trước các nguy cơ tấn công từ bên ngoài qua mạng Internet. Tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chuyển đổi số trên các lĩnh vực gắn với việc xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh. Tổ chức bàn giao kết quả nghiên cứu (sau nghiệm thu) và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong thực tiễn sản xuất.

                                                                             Thanh Bình

Số lượt xem:249

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔNG TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kon Tum - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Giám đốc Trung tâm.
Địa chỉ: 88 Hai Bà Trưng – phường Quyết Thắng – tp Kon Tum – tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862890Email: trungtamnuockt@gmail.com.

70583 Tổng số người truy cập: 251 Số người online:
TNC Phát triển: