Nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, ngày 25 tháng 01 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 118/QĐ-TTg ban hành Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 (Sau đây viết tắt là Chương trình).
Chương trình đề ra mục tiêu:
- Đến năm 2025: Số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm. 100% các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm trực tiếp tham gia Chương trình hình thành các tổ chức nghiên cứu và phát triển; có từ 3 đến 5 ngành sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra các sản phẩm, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường. Thúc đẩy tăng năng suất lao động trên cơ sở đổi mới công nghệ, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao; các doanh nghiệp trực tiếp tham gia Chương trình có năng suất lao động cao hơn ít nhất 1,5 lần năng suất lao động khi chưa đổi mới công nghệ. Khoảng 5.000 kỹ sư, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp được tập huấn, đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới ở 10 lĩnh vực chủ lực, trọng điểm thông qua hình thức tại chỗ và trực tuyến. Hình thành tại mỗi vùng kinh tế ít nhất một mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ điển hình phù hợp với điều kiện đặc thù của địa bàn để triển khai nhân rộng.
- Đến năm 2030: Số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 20%/năm. 100% các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm hình thành tổ chức nghiên cứu và phát triển; có từ 8 đến 10 ngành sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra các sản phẩm, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường. Các doanh nghiệp trực tiếp tham gia Chương trình có năng suất lao động cao hơn ít nhất 2 lần năng suất lao động khi chưa đổi mới công nghệ. Khoảng 10.000 kỹ sư, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp được tập huấn, đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới ở 15 lĩnh vực chủ lực, trọng điểm thông qua hình thức tại chỗ và trực tuyến. Hình thành tại mỗi vùng kinh tế ít nhất hai mô hình nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ điển hình phù hợp với điều kiện đặc thù của địa bàn để triển khai nhân rộng.
Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp sau:
1. Hoàn thiện thể chế pháp lý thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ: Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp và thúc đẩy hình thành các tổ chức nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn để đánh giá việc thực hiện đổi mới công nghệ và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp: bổ sung các hệ thống thống kê, chỉ tiêu đánh giá hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
2. Xây dựng, triển khai lộ trình nâng cao năng lực công nghệ quốc gia: Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu hiện trạng, trình độ và năng lực công nghệ trong các ngành, lĩnh vực theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về công nghệ mới, công nghệ tiên tiến và lực lượng chuyên gia công nghệ phục vụ doanh nghiệp khai thác, sử dụng và đổi mới công nghệ. Xây dựng bản đồ công nghệ quốc gia và lộ trình đổi mới công nghệ đối với các lĩnh vực sản xuất các sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia; hỗ trợ xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ cho các tổ chức, doanh nghiệp; xúc tiến chuyển giao công nghệ, đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Mở rộng mạng lưới tư vấn kết nối tự động; tổ chức đào tạo và hỗ trợ đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ, cập nhật công nghệ cho doanh nghiệp mới, cho các cơ sở có chức năng đào tạo để tiến hành đào tạo cho các doanh nghiệp có nhu cầu; tạo điều kiện, hỗ trợ thực hiện các hình thức đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ và trực tuyến cho các kỹ thuật viên và cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của xã hội, tổ chức và doanh nghiệp đối với hoạt động đổi mới công nghệ; triển khai các hoạt động tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động đổi mới công nghệ.
3. Nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị và có tính cạnh tranh cao trên thị trường: Thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ các công nghệ tiên tiến để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao tính năng, chất lượng sản phẩm, đổi mới thiết bị, dây chuyền, quy trình công nghệ tạo ra các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm; xem xét hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền, mua thiết kế, mua phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực. Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ để tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng, làm chủ, giải mã các công nghệ mới, tiên tiến và triển khai các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển hạ tầng phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ. Hỗ trợ việc triển khai ứng dụng các mô hình quản trị, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp theo hướng sản xuất thông minh trong sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm.
4. Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ: Tiếp nhận, chuyển giao, nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến; hỗ trợ đào tạo, thuê chuyên gia thiết kế, sản xuất sản phẩm mới và thay đổi quy trình công nghệ để tạo ra các sản phẩm có sức tiêu thụ lớn, chiếm lĩnh thị trường trong nước. Xây dựng hệ thống thông tin quản lý nguồn lực doanh nghiệp, khai thác dữ liệu công nghệ và chuyên gia công nghệ.
5. Đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Ứng dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa các mô hình canh tác nông nghiệp thông minh trong các lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch và chế biến sản phẩm nông nghiệp; cải tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và cạnh tranh được với giống nhập khẩu; nâng cao công nghệ tạo giống, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng và kiểm soát dịch bệnh ở quy mô lớn. Tổ chức điều tra, khảo sát các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật theo đặc trưng của từng vùng, địa bàn để xây dựng quy hoạch và hình thành mạng lưới mô hình đổi mới công nghệ đối với từng địa bàn cụ thể. Hỗ trợ các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ và các điểm kết nối cung cầu công nghệ trong các hoạt động như chuyển giao công nghệ, kết nối dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật trong triển khai ứng dụng công nghệ, kết nối với thị trường và quảng bá sản phẩm tạo thành từ ứng dụng công nghệ, tìm kiếm, kết nối với các đối tác trong và ngoài nước, nâng cao năng lực phổ biến và nhân rộng mô hình ứng dụng thành công. Hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ việc duy trì, phát triển thế mạnh của các ngành nghề, làng nghề truyền thống. Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, nghề được ưu đãi đầu tư và doanh nghiệp hoạt động tại các địa bàn được ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức khoa học và công nghệ.
6. Tăng cường nguồn lực tài chính thực hiện Chương trình: Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ; khuyến khích các doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để đầu tư đổi mới công nghệ; tăng cường thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ. Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế hợp tác công tư và các hình thức hợp tác khác trong hoạt động khoa học và công nghệ; liên kết, hợp tác giữa các tổ chức khoa học và công nghệ công lập với doanh nghiệp trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ.
7. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế: Thúc đẩy chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến từ các nước phát triển ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có tiềm năng ứng dụng lan tỏa tại nhiều doanh nghiệp trong nước, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích, mở rộng, đa dạng hóa các hình thức và nội dung hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hợp tác khoa học công nghệ với các quốc gia và địa bàn ưu tiên phục vụ các nội dung của Chương trình; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài trong tiếp nhận chuyển giao, hấp thụ và phát triển công nghệ, tham gia các triển lãm, hội chợ công nghệ và thiết bị ở nước ngoài.
Kinh phí thực hiện Chương trình được bảo đảm từ các nguồn: ngân sách nhà nước (chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước); Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; vốn của các tổ chức, doanh nghiệp; tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành./.
Hồng Vân