banner
Thứ 3, ngày 19 tháng 11 năm 2024
Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm
16-1-2019

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), từ đầu tháng 12/2018 đến nay, dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam,...), làm nhiều gia súc mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy và đang có chiều hướng lây lan, diễn biến rất phức tạp.

Bệnh cúm gia cầm có nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút cúm gia cầm (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

Trước hình hình trên, người chăn nuôi cần chủ động chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh tốt cho đàn vật nuôi, hạn chế dịch bệnh xảy ra; nhưng khi có dịch bệnh trên đàn vật nuôi, cần tuân thủ các quy định thú y, đồng thời có sự hỗ trợ của xã hội để tránh phát tán mầm bệnh ra môi trường.

1. Các hộ chăn nuôi đã, đang có dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi khi phát hiện có dịch bệnh trên đàn vật nuôi có nghĩa vụ sau đây:

-  Không giết mổ, mua bán, vứt động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm, chất thải động vật mang mầm bệnh ra môi trường;

- Thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, tiêu hủy, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

- Cung cấp thông tin chính xác về dịch bệnh động vật theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và nhân viên thú y cấp xã;

- Chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch bệnh hoặc trong vùng đệm

 Chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch bệnh nhưng đàn vật nuôi của họ chưa mắc bệnh hoặc trong vùng đệm có nghĩa vụ sau đây:

- Thực hiện phòng bệnh bằng vắc-xin và các biện pháp phòng bệnh khác cho động vật theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y;

- Vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi, môi trường chăn nuôi;

- Chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cần tăng cường vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, dụng cụ và môi trường chăn nuôi để phòng bệnh cho đàn vật nuôi

3. Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin cho động vật nuôi

Căn cứ yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc điểm dịch tễ và sự lưu hành của tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, Cục Thú y trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định bổ sung bệnh động vật phải phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin như sau:

- Bệnh ở trâu bò: Lở mồm long móng, nhiệt thán, tụ huyết trùng;

- Bệnh ở lợn: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn;

- Bệnh ở dê, cừu: Lở mồm long móng, nhiệt thán;

- Bệnh ở gà, chim cút: Cúm gia cầm (thể độc lực cao), Niu-cát-xơn;

- Bệnh ở vịt, ngan: Cúm gia cầm (thể độc lực cao), dịch tả vịt;

- Bệnh ở chó, mèo: Dại động vật.

4. Xử lý bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh và sản phẩm động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm

Việc áp dụng các biện pháp tiêu hủy bắt buộc hoặc giết mổ bắt buộc phụ thuộc vào từng loại bệnh động vật, bao gồm:

- Bệnh Cúm gia cầm (áp dụng đối với thể độc lực cao hoặc chủng vi rút có khả năng truyền lây bệnh cho người);

- Bệnh Lở mồm long móng (LMLM);

- Bệnh Tai xanh ở lợn;

- Bệnh Nhiệt thán;

- Bệnh Dịch tả lợn

- Bệnh Xoắn khuẩn;

- Bệnh Dại động vật;

- Bệnh Niu-cát-xơn;

- Bệnh Liên cầu khuẩn lợn (típ 2);

- Bệnh Giun xoắn;

- Bệnh Lao bò;

- Bệnh Xảy thai truyền nhiễm.

5. Xử lý gia súc mắc bệnh lở mồm long móng

Việc xử lý gia súc mắc bệnh phải được thực hiện ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh LMLM hoặc được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương kiểm tra, xác minh và kết luận gia súc bị mắc bệnh LMLM, cách xử lý cụ thể như sau:

- Đối với trâu, bò dê, cừu, hươu, nai: Tiêu hủy bắt buộc gia súc chết, gia súc mắc bệnh trong ổ dịch đầu tiên khi mới xuất hiện tại thôn, ấp, bản hoặc gia súc mắc bệnh với típ vi-rút LMLM mới hoặc típ vi-rút không xuất hiện trên địa bàn trong thời gian 10 năm trở lại đây;

Đối với gia súc không thuộc diện nêu trên thì khuyến khích tiêu hủy; trường hợp không tiêu hủy thì được giết mổ, tiêu thụ tại chỗ hoặc đánh dấu và nuôi giữ tại địa phương theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương trên cơ sở thời gian mang trùng của từng loài (02 năm đối với trâu bò, 09 tháng đối với cừu, 04 tháng đối với dê).  

- Đối với lợn: Tiêu hủy bắt buộc toàn bộ số lợn mắc bệnh trong ổ dịch với triệu chứng lâm sàng điển hình để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch, cách ly lợn khỏe mạnh trong cùng đàn với lợn mắc bệnh để theo dõi.

- Đối với vùng, cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh LMLM, thực hiện tiêu hủy hoặc giết mổ bắt buộc gia súc mắc bệnh LMLM và xử lý ổ dịch theo quy định.

Theo Trung tâm khuyến nông quốc gia

Số lượt xem:641

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔNG TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kon Tum - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Giám đốc Trung tâm.
Địa chỉ: 88 Hai Bà Trưng – phường Quyết Thắng – tp Kon Tum – tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862890Email: trungtamnuockt@gmail.com.

76843 Tổng số người truy cập: 167 Số người online:
TNC Phát triển: