banner
Thứ 2, ngày 18 tháng 11 năm 2024
Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ KH&CN và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
2-12-2019

Nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, những dấu mốc quan trọng trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển (1959-2019), sáng 30/11/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ KH&CN và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất với gần 2000 đại biểu trong hội trường theo dõi bộ phim về sự phát triển của ngành KH&CN.

Lễ kỷ niệm cũng là dịp để tri ân và biểu dương những đóng góp của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Khoa học và Công nghệ qua các thời kỳ; đồng thời, điểm lại những trang sử vẻ vang đã qua, thể hiện quyết tâm đoàn kết, đưa nền KH&CN của nước nhà phát triển mạnh mẽ, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Dự Lễ kỷ niệm có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, các địa phương các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các đại sứ quán và tổ chức quốc tế, các nhà khoa học và các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Khoa học và Công nghệ qua các thời kỳ.

Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ KH&CN, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi  thư và lẵng hoa chúc mừng  đến các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ và của ngành KH&CN, thư có đoạn viết: “Trong 60 năm xây dựng và trưởng thành, Bộ KH&CN và các cơ quan tiền nhiệm của Bộ trong từng thời kỳ lịch sử đã luôn sát cánh cùng các thế hệ cán bộ KH&CN Việt Nam trong nước và ở nước ngoài, đoàn kết, sáng tạo, phát huy trí tuệ và tư duy tiến bộ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đưa nền khoa học và công nghệ nước nhà đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần tạo  thế và lực mới vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đọc diễn văn khai mạc tại Lễ kỷ niệm.

Phát biểu khai mạc tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: qua từng giai đoạn lịch sử, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tên gọi của Bộ đã có những thay đổi từ Ủy ban Khoa học Nhà nước ở ngày đầu thành lập (năm 1959), Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (năm 1965), Ủy ban Khoa học Nhà nước (năm 1990), Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (năm 1992) và từ năm 2002 cho đến nay là Bộ Khoa học và Công nghệ.

"Nhưng dù với tên gọi nào thì Bộ cũng được giao nhiệm vụ là cơ quan tham mưu cao nhất cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc hoạch định và triển khai các chính sách phát triển khoa học và kỹ thuật và hiện nay là KH, CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST)", Bộ trưởng cho biết.

Trong hơn 30 năm đất nước đổi mới toàn diện, cơ chế và chính sách quản lý hoạt động KH&CN cũng luôn được quan tâm đổi mới nhằm giải phóng tiềm năng sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trên cơ sở đó, KH&CN đã có những đóng góp nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và biểu dương.

Bước sang giai đoạn phát triển mới, khi đất nước hội nhập toàn diện với thế giới và đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức trong bước đường phát triển như: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục tập trung phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương, cộng đồng các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh.

Thứ hai, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu đổi mới sáng tạo từ khu vực doanh nghiệp. Bộ sẽ tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển KH&CN, thành lập viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường hợp tác công tư trong triển khai các dự án công nghệ quy mô lớn và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ ba, đối với các trường đại học, nghiên cứu khoa học phải là nhiệm vụ bắt buộc. Bộ KH&CN nghệ sẽ quan tâm đầu tư kinh phí và cơ sở hạ tầng nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc trong các trường đại học. Đối với các viện nghiên cứu, Bộ sẽ thực hiện trao quyền tự chủ tối đa gắn với trách nhiệm giải trình, chịu sự đánh giá độc lập về kết quả hoạt động và công khai kết quả đánh giá. Thúc đẩy gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý KH&CN theo hướng dỡ bỏ các rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo. Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học mạnh, kết hợp đồng thời biện pháp động viên, khuyến khích và đặt yêu cầu trở lại đối với nhà khoa học.

Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung để tranh thủ nguồn lực và tri thức của các quốc gia tiên tiến, đồng thời từng bước nâng tầm năng lực và trình độ nghiên cứu trong nước. Thu hút, khai thác thế mạnh của đội ngũ các nhà khoa học tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài. Bộ trưởng cũng bày tỏ lời cảm ơn tới các thế hệ nhà khoa học, cán bộ quản lý KH&CN đã đóng góp cho sự phát triển của Bộ và ngành khoa học công nghệ Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đón nhận Huân chương lao động hạng nhất từ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Từ trái qua: Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, Bùi Thế Duy, Phạm Công Tạc, Trần Văn Tùng và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đón nhận Huân chương Lao động hạng  Nhất từ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gắn Huân chương lên lá cờ truyền thống của ngành KH&CN.

Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước cho Bộ KH&CN vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu bật những kết quả quan trọng mà KH&CN đã đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng to lớn của Bộ Khoa học và Công nghệ, các cán bộ quản lý khoa học công nghệ trong cả nước, trong dòng chảy lịch sử 60 năm qua của ngành KH&CN, nhiều tấm gương các nhà khoa học nổi tiếng nhà quản lý khoa học tiêu biểu có đóng góp quan trọng từ những giai đoạn đầu hình thành đặt nền móng cho KH&CN nước nhà phát triển như: Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Tạ Quang Bửu, nhà nông học Lương Định Của, bác sĩ Tôn Thất Tùng... Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, KH&CN ngày càng được quan tâm tạo điều kiện để phát triển, công tác quản lý nhà nước từng bước được đổi mới phù hợp và hiệu quả hơn, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Thủ tướng nêu rõ ngày nay, Việt Nam đang ở bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng KH&CN mới là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình, đạt tăng trưởng kinh tế cao, vươn lên sự thịnh vượng của quốc gia, của dân tộc. Chúng ta có tài nguyên vô tận, đó là chất xám, là sự sáng tạo của con người.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây đang đi đúng hướng và tích cực, thể hiện ngày càng giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét, thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động, đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 43,5% giai đoạn 2016-2020.

KH&CN ngày càng đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục tăng và năm 2019 xếp thứ 42/129 quốc gia và đứng thứ 3 trong khối ASEAN.

Chúng ta đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 với khát vọng đưa đất nước ta phát triển thịnh vượng. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy cũng như hành động một cách quyết liệt nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt là phát huy mạnh mẽ nguồn vốn trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam. Chúng ta cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh.

Cần phải xác định KH&CN và đổi mới sáng tạo là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của đất nước, là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế xã hội, đồng thời phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong việc phát triển KH&CN, kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển KH&CN và ĐMST. Đây là yêu cầu trọng trách to lớn đối với Bộ KH&CN nghệ và đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ nghiên cứu KH&CN.

Thủ tướng cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khơi dậy sự đam mê nghiên cứu, sức sáng tạo, hành động mạnh mẽ quyết liệt để thúc đẩy phát triển KH&CN nước nhà, trong đó tập trung vào một số nội dung. Trước hết, mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội để tạo ra sự đột phá trong ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công. Mục tiêu là lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ giữa pháp luật về KH&CN với pháp luật về thuế, đầu tư, tài chính và pháp luật liên quan để nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và từng bước phát triển công nghệ của doanh nghiệp, đồng thời tạo thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao kết quả KH&CN phù hợp với cơ chế thị trường.

Thứ hai là tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho các trường đại học, viện nghiên cứu. Tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu các công nghệ sản xuất mà doanh nghiệp đòi hỏi và cải tiến phương thức giáo dục ứng dụng lý thuyết khoa học công nghệ vào các mục tiêu thực tiễn. Đổi mới căn bản cơ chế quản lý ngân sách chi cho KH&CN, thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng nghiên cứu các đề tài KH&CN. Cơ cấu lại các chương trình, các nhiệm vụ KH&CN gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng.

Thứ ba là tập trung phát triển mạnh thị trường KH&CN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN, phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung gian môi giới đánh giá, chuyển giao công nghệ. Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Coi trọng hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp trong đổi mới đầu tư vào KH&CN. Chủ động phát triển cơ sở hạ tầng KH&CN theo hướng hiện đại, đồng bộ, trong đó có các khu công nghệ đi đầu trong việc bắt nhịp với cuộc cách mạng 4.0. Tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ thông tin.

Thứ tư là đổi mới chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN, phát triển mạng lưới kết nối nhân tài Việt Nam, tăng cường thu hút sự tham gia sâu của cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước.

Hiện nay chúng ta có khoảng 300.000  chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, chủ yếu tại các nước công nghiệp phát triển. Đây là nguồn lực vô cùng quý giá, là cầu nối giúp chúng ta tiến nhanh trên bản đồ đổi mới sáng tạo của thế giới nếu chúng ta biết cách huy động. Hơn bao giờ hết nền tảng công nghệ hiện nay có thể giúp các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học kết nối và hợp tác với các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài hết sức thuận lợi và nhanh chóng.

Thứ năm là xây dựng năng lực quản trị nhà nước đối với hệ thống đổi mới sáng tạo và phát huy công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN, đổi mới sáng tạo để làm căn cứ hoạch định chính sách, có cơ chế, chính sách đột phá để nâng cao năng lực và chất lượng nhân sự làm việc trong khu vực công về đổi mới sáng tạo. Chúng ta phải làm cho cán bộ làm khoa học dám ước mơ, dám khát vọng, theo đuổi khát vọng, đam mê nghiên cứu khoa học. Trong trăm việc, nghìn việc cần làm để trở thành quốc gia đổi mới sáng tạo thì việc đầu tiên phải làm là đổi mới sáng tạo cách trọng dụng con người, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo cấp cao cắt băng khánh thành triển lãm 60 năm KH&CN.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo cấp cao  triển lãm "Thành tựu 60 năm ngành Khoa học và Công nghệ".

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng khai mạc Triển lãm 60 năm thành tựu KH&CN. Triển lãm gồm hai khu trưng bày theo chủ đề Con đường khoa học và Ứng dụng KH&CN trong doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo cấp cao chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu đại diện đến từ các đại sứ quán và tổ chức quốc tế, các nhà khoa học và lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ qua các thời kỳ.

 

 

THACO: Ứng dụng KH&CN giúp Thaco có kết quả vượt bậc


 

Trong phần phát biểu của đại diện doanh nghiệp, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phẩn ôtô Trường Hải (THACO) cho biết, thời gian qua các doanh nghiệp KH&CN được Bộ KH&CN hỗ trợ nhiều chính sách, cơ chế như xây dựng cơ sở dữ liệu, chuyên gia công nghệ, bản đồ công nghệ, tham gia các sự kiện kết nối cung cầu công nghệ, chợ công nghệ và thiết bị ở trong nước và quốc tế.  THACO là một trong số nhiều doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, trong đó có Dự án "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo xe khách giường nằm cao cấp mang thương hiệu Việt Nam". Nhờ dự án này, các phần mềm thiết kế và tính toán mô phỏng hiện đại, đào tạo đội ngũ kỹ sư được đầu tư và nâng cao trình độ nhân lực, qua đó góp phần gia tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm và nâng tỉ lệ nội địa hóa xe bus lên 60%; xe tải lên 35%-40%. "Hiện THACO tiếp tục phối hợp với Bộ KH&CN triển khai các dự án trong lĩnh vực Nông nghiệp. Ông Dương khẳng định, các kết quả hoạt động KH&CN đã tạo tiền đề cho THACO có những bước phát triển vượt bậc như hôm nay.

"Cộng đồng nhà khoa học Việt Nam sẵn sàng dấn thân"
 

 PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Đại học Quốc gia Hà Nội, gọi sự kiện 60 năm Bộ KH&CN là "lục thập hoa giáp". Ông nhắc đến một câu nói của Triết gia Henri Frédríc Amiel thế kỷ XIX: "Society Lives by Faith and Develops by Science" (nghĩa là: Xã hội tồn tại bởi niềm tin và phát triển nhờ khoa học).

"Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển của Bộ Khoa học và Công nghệ trong hành trình 74 năm bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chúng ta càng thêm trân trọng những đóng góp to lớn của các cơ quan tiền thân, của Bộ và toàn ngành khoa học vào sự phát triển", ông Tuấn nói. Ông cũng bày tỏ niềm tin vào chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Đảng và Nhà nước.

"Cộng đồng nhà khoa học hôm nay đã sẵn sàng dấn thân, tiếp bước các thế hệ tiền bối, chung tay xây dựng cơ đồ, mong muốn được góp phần khiêm nhường nhưng thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam", PGS.TS Hoàng Anh Tuấn nói.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Số lượt xem:893

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔNG TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kon Tum - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Giám đốc Trung tâm.
Địa chỉ: 88 Hai Bà Trưng – phường Quyết Thắng – tp Kon Tum – tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862890Email: trungtamnuockt@gmail.com.

70769 Tổng số người truy cập: 237 Số người online:
TNC Phát triển: