Năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế đến năm 2025.
Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho ngành khoa học và công nghệ "phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế".
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, trong năm 2022, có 8 nhiệm vụ trọng tâm được xác định để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành nhân tố quyết định tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ nhất, tập trung triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 kế hoạch ngành khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2025.
Bộ tập trung rà soát, hoàn thiện các chính sách, quy định; hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ để đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023...
Ở nhóm nhiệm vụ thứ ba, hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ sẽ được quy hoạch lại toàn bộ. Cơ chế trọng dụng các nhà khoa học, người tài năng, phù hợp tiếp tục được Bộ xây dựng.
Theo ông Định, các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia sẽ tái cấu trúc, xác định rõ những công nghệ trọng điểm cần ưu tiên phát triển dựa trên thế mạnh, thực tiễn của Việt Nam. Các đầu bài lớn được xác định, đặt hàng các đơn vị nghiên cứu, cách xác định và triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ các sản phẩm quốc gia, sản phẩm trọng điểm cũng được đổi mới.
Cơ chế thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) được nghiên cứu, đề xuất. Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, trong năm 2022 các cơ chế, chính sách giải pháp sẽ tập trung để đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tại lễ tổng kết hoạt động năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Ảnh: Đình Nam
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia sẽ được tập trung để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh. Theo đó sẽ đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.
Hội nhập hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ cũng được Bộ xác định là nhiệm vụ trọng tâm để tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Các hoạt động chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử được xác định hướng tới Chính phủ số gắn với cải cách thủ tục hành chính. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ đang được Bộ thực hiện.
Trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục duy trì xếp hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII). Trong báo cáo GII 2021 do WIPO phát hành, Việt Nam tiếp tục được WIPO nêu trong báo cáo như quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn. Năm 2021 "chỉ số giá trị sản phẩm công nghệ và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50% GDP", Thứ trưởng Lê Xuân Định nói.
Nguồn: https://vnexpress.net/dua-khoa-hoc-thanh-nhan-to-quyet-dinh-tang-nang-luc-canh-tranh-4410666.html