banner
Thứ 7, ngày 16 tháng 11 năm 2024
Công cụ mới trong hoạch định chính sách khoa học và công nghệ
29-3-2021

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã từng bước xây dựng bản đồ công nghệ (BÐCN) cho các ngành, lĩnh vực quan trọng. Trên cơ sở nắm bắt được thực trạng công nghệ của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp từ BÐCN sẽ giúp các cơ quan chức năng nâng cao được hiệu quả hoạch định chính sách, tư vấn chính sách KH và CN và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ…

BÐCN cho chúng ta biết các thông tin liên quan sản phẩm, thị trường và công nghệ, mối liên hệ giữa công nghệ và sản phẩm trong một ngành, lĩnh vực. Từ BÐCN có thể xây dựng các lộ trình công nghệ (LTCN) và đổi mới công nghệ (ÐMCN), trong đó có các giải pháp công nghệ để phát triển sản phẩm nhằm đạt được các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn đối với quốc gia, ngành, lĩnh vực hoặc doanh nghiệp.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã hưởng lợi từ việc xây dựng BÐCN, LTCN và ÐMCN để quản lý hoạt động nghiên cứu và phát triển, phân bổ tài chính và đánh giá hiệu quả dự án. Tại Việt Nam, nhận thức tầm quan trọng của BÐCN và LTCN, Chương trình ÐMCN quốc gia đến năm 2020 (Chương trình) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã đề cập đến nhiệm vụ xây dựng BÐCN quốc gia, LTCN và ÐMCN đối với các lĩnh vực sản xuất các sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia, từ đó góp phần nâng cao năng lực công nghệ quốc gia.

Triển khai thực hiện Chương trình, từ năm 2013, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (trực thuộc Bộ KH và CN) đã nghiên cứu, xây dựng phương pháp, quy trình xây dựng BÐCN. Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Tạ Việt Dũng cho biết, phương pháp và quy trình xây dựng BÐCN và LTCN đã được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới và chia thành ba giai đoạn.

Giai đoạn 1 là xây dựng BÐCN (gồm: Xác định mục tiêu, đối tượng, tiến hành điều tra khảo sát xây dựng BÐCN, nhằm tổng hợp cơ sở dữ liệu về mô tả, phân tích hiện trạng công nghệ, mối tương quan giữa các loại công nghệ - sản phẩm, xác định các xu hướng phát triển công nghệ) và hoàn thành BÐCN ở các cấp độ.

Giai đoạn 2 là xây dựng LTCN: Từ kết quả của việc xây dựng BÐCN, LTCN sẽ được xây dựng nhằm xác định kế hoạch phát triển của công nghệ từ thấp đến cao nhằm đạt được mục tiêu đề ra trong trung và dài hạn đối với quốc gia, ngành, lĩnh vực hoặc doanh nghiệp.

Giai đoạn 3 là xây dựng lộ trình ÐMCN: Xây dựng một bản kế hoạch chi tiết về mục tiêu, nội dung, trình tự, phương án sử dụng nguồn lực để tiến hành tổ chức thực hiện. Trong các giai đoạn thực hiện thì giai đoạn xây dựng BÐCN đóng vai trò quyết định đối với chất lượng và tính hiệu quả của LTCN và ÐMCN, nhưng thường không được các nước công bố một cách chi tiết và đầy đủ.


Ảnh minh họa 

Bởi vậy, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã phối hợp các chuyên gia trong nước và nước ngoài trong thời gian hơn 5 năm để hoàn thiện quy trình, phương pháp xây dựng BÐCN, LTCN và ÐMCN phù hợp với điều kiện Việt Nam, trình lãnh đạo Bộ KH&CN phê duyệt ban hành Quyết định số 3771/QÐ-BKHCN về việc ban hành sổ tay Hướng dẫn xây dựng BÐCN, LTCN và ÐMCN. Có thể nói, đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được trình độ xây dựng BÐCN và lộ trình ÐMCN của Hàn Quốc và Ðài Loan (Trung Quốc) vào giai đoạn 1999 - 2002.

Bên cạnh đó, đã xây dựng thành công hệ thống BÐCN cho tám lĩnh vực phục vụ nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia, có tiềm năng phát triển như: Chọn tạo giống và sản xuất các loại giống lúa; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ gen; công nghệ tế bào gốc; sản xuất vắc-xin cho người; ứng dụng công nghệ enzyme và protein; công nghệ vi sinh vật; sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử, bán dẫn; cơ khí nông nghiệp, cơ khí ô-tô; công nghệ sản xuất nhựa kỹ thuật và ứng dụng in 3D; phát triển và ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật tại Việt Nam.

Thí dụ, BÐCN chọn tạo giống và sản xuất các loại giống lúa chỉ ra Việt Nam có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu giống lúa thuần, còn giống lúa lai chỉ đáp ứng được 33%, còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài. Yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là Việt Nam phải tạo ra giống có chất lượng tốt, năng suất cao.

BÐCN cũng chỉ ra gần 70 công nghệ lõi cần làm chủ để thực hiện được mục tiêu tạo ra các giống lúa bảo đảm các yêu cầu: Có năng suất từ 6 đến 10 tấn/ha; chất lượng gạo đạt chuẩn quốc tế; giá thành phân bổ theo các phân khúc từ 350 đến 450 USD/tấn, từ 600 đến 800 USD/tấn, từ 1.000 đến 1.200 USD/tấn. Ðồng thời, BÐCN này đã đề xuất LTCN đến năm 2025. BÐCN trong lĩnh vực sản xuất vắc-xin cho người cho thấy gần 60 công nghệ cốt lõi cần phải được làm chủ. Trên cơ sở BÐCN này, cơ quan chức năng đã xây dựng thành công LTCN trong lĩnh vực sản xuất vắc-xin đến năm 2035 trình các cấp có thẩm quyền xem xét.

BÐCN cũng được ứng dụng trong triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp ÐMCN, nghiên cứu công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của vùng, địa phương. Thí dụ, từ kết quả BÐCN chọn tạo giống và sản xuất các loại giống lúa, Chương trình đã xác định các khâu trong chuỗi sản xuất của ngành cần hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới công nghệ là: Sản xuất giống thích ứng với mặn, hạn vùng đồng bằng sông Cửu Long; giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; sấy lúa tươi; quy trình canh tác và bảo quản lúa, xay, xát tăng chất lượng gạo, giảm thất thoát sau thu hoạch. Chương trình đã xác định nhiệm vụ và đề xuất giao cho các doanh nghiệp thực hiện. Ðây được đánh giá là cách làm mới, khoa học trong quản lý và tổ chức triển khai các nhiệm vụ KH và CN quốc gia.

Có thể nói, BÐCN đã và đang trở thành công cụ mới, hiệu quả trong việc hoạch định chính sách. Do đó, Chương trình ÐMCN quốc gia đến năm 2030 vừa được Chính phủ ban hành tiếp tục đề ra nhiệm vụ xây dựng BÐCN, LTCN và ÐMCN đối với các lĩnh vực sản xuất các sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia, đồng thời hỗ trợ xây dựng và thực hiện lộ trình ÐMCN cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Ông Tạ Việt Dũng cho rằng, việc xây dựng BÐCN, LTCN và ÐMCN đòi hỏi sự vào cuộc của rất nhiều chuyên gia, nhà quản lý đến từ Chính phủ, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học. Hiện, số lượng chuyên gia tại các viện nghiên cứu, trường đại học khá lớn, tuy nhiên, trở ngại là mối quan hệ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp còn yếu.

Bên cạnh đó, chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia tốt để đáp ứng đủ những thông tin về thị trường, ngành, hiện trạng công nghệ, khoảng cách công nghệ, năng lực nghiên cứu và phát triển trong nước. Số liệu về công nghệ sản xuất trong các doanh nghiệp không cập nhật thường xuyên và đôi khi được coi là nguồn thông tin không thể chia sẻ.

Ðể xây dựng hiệu quả BÐCN thời gian tới, cần khắc phục những hạn chế nêu trên. Ngoài ra, xu thế hiện nay trên thế giới là tích hợp rất nhiều công nghệ khác nhau trên từng sản phẩm, do đó bên cạnh việc tiếp tục xây dựng, bổ sung các BÐCN, LTCN và lộ trình ÐMCN cho các doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực chưa được xây dựng cần tập trung khai thác và sử dụng các BÐCN đã được xây dựng và tích hợp các BÐCN trong quá trình định hướng, xây dựng chiến lược, lập kế hoạch phát triển sản phẩm mới của doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực, để KH và CN thật sự trở thành động lực của phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo báo Nhân dân

 

Số lượt xem:472

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔNG TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kon Tum - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Giám đốc Trung tâm.
Địa chỉ: 88 Hai Bà Trưng – phường Quyết Thắng – tp Kon Tum – tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862890Email: trungtamnuockt@gmail.com.

70675 Tổng số người truy cập: 305 Số người online:
TNC Phát triển: