Giải thưởng Trần Đại Nghĩa được Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (VAST) tổ chức 3 năm một lần theo sáng kiến của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Viện trưởng VAST, nhằm vinh danh các tác giả có công trình nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, đồng thời trực tiếp tổ chức triển khai ứng dụng các kết quả đó.
Giải thưởng được trao lần đầu vào năm 2016 cho 4 tác giả của 2 công trình. GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu cho biết, do đây giải thưởng cấp Bộ nên theo quy định, nếu dùng tiền ngân sách thì chỉ được trao 3 năm một lần, mỗi lần tối đa 3 giải. Nhưng nhờ được xã hội hóa, năm nay Hội đồng được thoải mái “cứ theo chất lượng mà xét” và đã chọn được 4 công trình “vô cùng xứng đáng” để trao giải. Cụ thể bao gồm:
1/ Công trình “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vaccine cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam” của tập thể các giả: GS.TS. Lê Trần Bình, PGS.TS. Đinh Duy Kháng Viện Công nghệ sinh học, VAST; TS. Trần Xuân Hạnh, Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương. Theo đó, quy trình sản xuất vaccine cúm A/H5N1 cho gia cầm đã được nhóm tác giả xây dựng trong 6 năm (từ 2006-2012) và là công trình đầu tiên nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine cúm gia cầm H5N1 đạt chất lượng sử dụng ở quy mô công nghiệp, trước mắt bảo đảm cung cấp một phần vaccine, tiến tới thay thế hoàn toàn vaccine nhập khẩu để phục vụ cho công tác tiêm phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm nuôi ở nước ta.
2/ Công trình “Nghiên cứu tổ hợp vật liệu đặc chủng phục vụ chế tạo bộ hỗ trợ chiến đấu cho người lính và lõi đạn xuyên động năng 85mm” của nhóm tác giả: TS. Nguyễn Văn Thao, Trung tâm Phát triển công nghệ cao, VAST; PGS.TS. Đoàn Đình Phương, Viện Khoa học Vật liệu, VAST; TS. Lê Văn Thụ, Cục Trang bị và Kho vận, Bộ Công an.
Công trình gồm 02 hợp phần: Hợp phần 1 là dự án "Nghiên cứu phát triển công nghệ chế tạo vật liệu tổ hợp bền, nhẹ, ứng dụng trong sản xuất các thiết bị, dụng cụ đặc chủng trang bị cho người lính". Hợp phần đã nghiên cứu và chế tạo thành công những hệ vật liệu gồm: 1) Vật liệu polymenanocompozit trên cơ sở vật liệu nhựa (PA6, HDPE,…) với vật liệu nano (ống cacbon nano, nanoclay, hạt nano MgO, TiO2…); 2) Vật liệu nanocompozit trên cơ sở vải sợi (sợi cacbon, sợi aramid, sợi UHMWPE…), nhựa nền (epoxy, phenolformandehit, poly vinyl butiral..) với vật liệu nano (ống cacbon nano, nanoclay, hạt nano MgO, TiO2…); 3) Gốm oxit nhôm mật độ cao tăng bền bằng vật liệu nano (nanoclay, hạt nano MgO, TiO2…). Các vật liệu có đặc tính: chống va đập, chống lực tác dụng mạnh (chống đạn) nhẹ, bền.
Từ các vật liệu trên, các tác giả đã chế tạo thành công bộ sản phẩm gồm: 1) áo phao chống đạn súng ngắn K54, 2) áo phao chống đạn súng tiểu liên AK47, 3) tấm chống đạn súng bắn tỉa đạt tiêu chuẩn chống đạn NIJ 01.01.06 của Mỹ; 4) mũ bảo hiểm chống va đập; 5) bộ ốp bảo vệ tay chống va đập; 6) bộ ốp mềm bảo vệ chân, tấm chống đạn súng tiểu liên AK47. Các sản phẩm sử dụng vật liệu mới đã giảm được khối lượng xuống chỉ còn từ 80 đến 85% so với sản phẩm của nước ngoài mà tính năng chống đạn, chống va đập vẫn không thay đổi. Toàn bộ các sản phẩm đã được thử nghiệm khả năng chống đạn trên thực tế bằng bắn đạn thật theo tiêu chuẩn.
Hợp phần 2 là “Nghiên cứu công nghệ chế tạo một số chủng loại hợp kim volfram ứng dụng làm lõi đạn xuyên động năng trong quân sự”. PGS.TS. Đoàn Đình Phương, Viện Khoa học vật liệu, VAST triển khai nghiên cứu và đã giải quyết được vấn đề, chế tạo được vật liệu với các đặc tình: 1) tỷ trọng, ứng dụng công nghệ ép nóng đẳng tĩnh ở nhiệt độ và áp suất cao (gần 15000C và 1000 atmosphere), tạo ra hợp kim có mật độ xít chặt trong toàn bộ thể tích; 2) giảm thiểu tính chất gây giòn, tăng độ dai của hợp kim bằng phương pháp loại bỏ pha êta trong cấu trúc hợp kim. Thành công này không những được dùng trong sản xuất thiết bị đặc chủng mà còn được các tạp chí quốc tế ISI có uy tín về vật liệu kim loại và gốm công bố.
3/ Công trình “Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế” của tập thể tác giả: PGS.TS. Trịnh Văn Tuyên, Viện Công nghệ Môi trường, KSC. Mai Trọng Chính, VAST; PGS.TS. Nguyễn Thế Đồng, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trải qua hơn 15 năm nghiên cứu, thực nghiệm và không ngừng cải tiến, nhóm tác giả đã chế tạo thành công và đưa vào ứng dụng thực tế công nghệ, hệ thiết bị VHI-18B và IET-BF, lắp đặt tại hơn 50 cơ sở xử lý chất thải rắn nguy hại y tế và công nghiệp và hơn 25 cơ sở xử lý nước thải y tế trên cả nước. Ưu điểm vượt trội của các công nghệ xử lý này so với các công nghệ xử lý chất thải khác đang được ứng dụng ở nước ta là chi phí đầu tư và chi phí xử lý thấp, vận hành đơn giản, đạt hiệu quả xử lý môi trường. Nhóm tác giả đã có 02 bằng độc quyền sáng chế, 01 bằng độc quyền giải pháp hữu ích về các công nghệ được áp dụng trong thực tiễn sản xuất.
4/ Công trình “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long” của GS.TS. Nguyễn Thị Lang, Viện Nghiên cứu nông nghiệp Công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long. Công trình là sự đúc kết khoa học của hơn 100 đề tài về sản xuất lúa gạo, lĩnh vực di truyền chọn tạo giống lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Điểm nổi bật của công trình là đã chọn tạo thành công các giống lúa chịu mặn có nguồn gốc từ giống lúa trời, hay còn gọi là "lúa ma” ở vùng Đồng Tháp Mười. Tác giả đã nghiên cứu kết hợp những tính năng chống chịu của lúa ma với giống lúa cao sản để tạo nên một giống lúa mới. Các công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu về di truyền cây lúa, genome học cây lúa của bà đã đóng góp thiết thực vào sự phát triển sản xuất lúa gạo trong nước và nâng cao vị trí ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam trên thế giới.
Nỗi lòng nhà nghiên cứu
Nói về công trình nghiên cứu khí tài có sự tham gia của nhiều bên, trong đó có Bộ Công an, TS. Nguyễn Văn Thao, Trung tâm Phát triển công nghệ cao, VAST, cho rằng, một trong những cái khó là tìm ra tiếng nói chung giữa các nhà khoa học trong các hợp tác “đôi khi là tay đôi, đôi khi là tay ba”. “Trước đây, các đơn vị thường nghiên cứu độc lập còn chúng tôi trong nhiệm vụ này là một tổ hợp sức mạnh của những nhà khoa học ở nhiều nơi.”
Một khó khăn khác trong quá trình triển khai, theo TS Thao, là “chúng tôi bắn thử bắn một lần hết một cái bia nhưng bắn một lần chưa chắc đã thành công, bởi vậy chúng tôi phải gắn cái bia bị vỡ bằng những cách gia cố sáng tạo của người Việt Nam để bắn lại lần 2 mà không mất tiền mua bia mới và không phải thay đổi dự toán". “Đó vừa là những khó khăn trong điều kiện trong trang thiết bị không đồng bộ, vừa là khó khăn trong điều kiện dự toán kinh phí [hiện hành],” ông chia sẻ.
Trong khi đó, PGS.TS. Trịnh Văn Tuyên, Viện Công nghệ Môi trường, VAST, đại diện của nhóm nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế tự tin rằng, công nghệ của nhóm đứng vững trong bối cảnh có rất nhiều công nghệ trong nước và nhập ngoại khác, nhờ tính chất phù hợp và có thể dễ dàng điều chỉnh chế độ hoạt động để tiết kiệm năng lượng tối đa trong điều kiện cụ thể của từng bệnh viện. Ông không thiếu lạc quan khi cho rằng công nghệ của nhóm sẽ dần thay thế các công nghệ đã có nhưng hoạt động không hiệu quả. Duy nhất, ông chỉ có một băn khoăn, đó là ở Việt Nam, người kéo dự án về là người được phép lựa chọn công nghệ, vậy sẽ ra sao nếu vì những lợi ích cục bộ nào đó, hoặc đơn giản vì không biết, họ không chọn công nghệ của nhóm.
Quy trình sản xuất vaccine cúm gia cầm H5N1 do Viện Công nghệ sinh học, VAST, nghiên cứu, đã được triển khai thành công tại NAVETCO. Ảnh: VAST.
Một cái khó chung khác của các nhà khoa học, đó là tạo dựng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp để triển khai kết quả nghiên cứu. Theo GS.TS. Trương Nam Hải - Chủ tịch Hội đồng khoa học chuyên ngành Các khoa học về sự sống, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa - VAST đã có nhiều công trình hợp tác với doanh nghiệp nhưng thường mới chỉ dừng ở giai đoạn nghiên cứu. Ông đánh giá hợp tác giữa Viện Công nghệ sinh học với Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO (TPHCM) để sản xuất vaccine cúm gia cầm H5N1 là “một trường hợp rất hay”. Khi dịch cúm gia cầm bùng phát, chính quyền còn đang lúng túng và chưa biết làm gì khác ngoài chôn lấp và tiêu hủy thì Viện Công nghệ Sinh học đã chủ động đứng ra tập hợp các nhà khoa học và hợp tác với hai doanh nghiệp để triển khai quy trình sản xuất vaccine, trong đó hợp tác với NAVETCO đã “đi được vào cuộc sống”. Sau nhiều năm, hợp tác này không những được duy trì mà còn mở rộng, từ chỗ sản xuất vaccine bằng chủng gốc nhập ngoại đến chỗ tự chủ được chủng gốc. Hợp tác với doanh nghiệp là mong mỏi lớn nhất của các nhà nghiên cứu nhưng “nhu cầu thực tiễn mới là yếu tố mấu chốt quyết hợp tác đó có lâu dài hay không,” ông Hải kết luận.
GS.TS. Lê Trần Bình, Viện Công nghệ sinh học, một trong ba tác giả của nghiên cứu quy trình sản xuất vaccine cúm gia cầm, thì cho biết thêm, sở dĩ hợp tác với NAVETCO thành công trong khi hợp tác với một doanh nghiệp khác ở miền Bắc thất bại vì NAVETCO có năng lực rất tốt được thừa hưởng từ quá khứ, người lãnh đạo lại có tầm nhìn và rất kiên trì, sẵn sàng bỏ ra 6 năm để thuyết phục Cục thú y cấp phép cho quy trình sản xuất. Thực tế, không phải nhóm nghiên cứu nào cũng có may mắn tìm được một đối tác như vậy, ông nói.
Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển