<div class="meta">
<p class="des" style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Đề cương văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) soạn thảo, được công bố năm 1943 là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, chỉ ra con đường vận động, phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam.</span></p>
</div>
<div id="anhnoidung" class="content">
<div id="anhnoidungdetail">
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Tháng 2/1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam (Đề cương) do Tổng Bí Thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Văn kiện này ra đời trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội rất rối ren, phức tạp của đất nước những năm 40 thế kỷ XX, lúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đang gần tới giai đoạn kết thúc. Nhật xâm chiếm Đông Dương. Cách mạng Việt Nam lúc này không những đứng trước tình thế vô cùng gay go, căng thẳng mà còn phải đương đầu với những thủ đoạn thâm độc của phátxít Nhật, Pháp hòng trói buộc văn hóa, thậm chí giết chết tiền đồ của nền văn hóa dân tộc ta. Một bộ phận tầng lớp trí thức “đêm trước cách mạng” tỏ ra chán nản, bi quan, thờ ơ với thời cuộc, số khác hoang mang, mất phương hướng, thiếu ngọn đèn dẫn lối về tư tưởng. Cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa là một tất yếu chính trị. Tuy nhiên, trong bối cảnh lúc bấy giờ, trước hết cần phải có một sự thay đổi mang tính đột phá, định hướng về tư tưởng văn hóa. Đề cương ra đời đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Trên cơ sở phương pháp luận Mác xít, kết hợp chặt chẽ với phân tích thực trạng của nền văn hóa Việt Nam dưới ách thống trị, kìm kẹp, nô dịch của Phát xít Nhật – Pháp, Đề cương đã trình bày những thành tố chủ yếu của nội hàm văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, cùng mối quan hệ biện chứng giữa các thành tố này. Trong ba thành tố chủ yếu trên, Tư tưởng có ý nghĩa quan trọng hàng đầu của văn hóa. Tư tưởng liên quan trực tiếp đến thế giới quan, nhân sinh quan, đến nhận thức, tình cảm, đến cách ứng xử của con người đối với tự nhiên, xã hội và đối với bản thân. Tư tưởng, đạo đức, lối sống là những lĩnh vực then chốt của văn hóa. Thành tố Học thuật (Khoa học) là yếu tố nền tảng, quyết định đến tính chất, chất lượng của nền văn hóa. Học thuật liên quan trực tiếp đến tri thức khoa học, đến học vấn, đến sự hiểu biết là điều kiện để con người khám phá và cải tạo thế giới. Do đó, Học thuật liên quan trực tiếp đến hoạt động giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao dân trí… Học thuật đòi hỏi mọi người nêu cao tinh thần không ngừng học tập, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, nâng cao tri thức, năng lực hoạt động thực tiễn. Còn thành tố Nghệ thuật (Văn học nghệ thuật) là lĩnh vực rất quan trọng và tinh tế của văn hóa, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người. Nghệ thuật có vai trò quan trọng không gì có thể thay thế trong việc giáo dục bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, lối sống tốt đẹp cho con người.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 kết cấu gồm có 05 phần: (1) Cách đặt vấn đề; (2) Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam; (3) Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; (4) Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam và (5) Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mácxít Việt Nam.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Nội dung cơ bản của Đề cương thể hiện rõ các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc, đó là: (i) Xác định rõ nội dung, phạm vi, vị trí, vai trò của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa; (ii) Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng lãnh đạo; (iii) Để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta phải nắm vững “ba nguyên tắc vận động”, đó là: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Ba nguyên tắc đã trở thành phương châm, mục tiêu hành động, là quan điểm xuyên suốt trong quá trình cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới. Trong đó: <em>Dân tộc hóa</em> là chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, làm cho văn hóa trực tiếp phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm cho trí thức có lòng tự hào, dũng cảm đứng lên nhận trách nhiệm của mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam; <em>Khoa học hóa</em> là tạo điều kiện cho nền văn hóa dân chủ mới nhanh chóng thoát khỏi sự kìm hãm ấy, nhằm phát triển về mọi mặt trên cơ sở khoa học, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm kim chỉ nam hướng dẫn mọi suy nghĩ, hành động; chống lại tất cả những cái cũ kĩ, lạc hậu, dị đoan; <em>Đại chúng hóa</em> là văn hóa của Nhân dân, phục vụ Nhân dân, làm cho mọi người biết đọc, biết viết, biết thưởng thức và tham gia sáng tạo nghệ thuật và dần dần chiếm lĩnh các giá trị tinh thần mà dân tộc và loài người tạo ra; chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng...</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Đề cương văn hóa đã thức tỉnh những trí thức, văn nghệ sĩ đang bi quan, dao động, mất phương hướng thấy được: Muốn giải phóng mình thì phải dấn thân vào con đường giải phóng dân tộc, trí thức, văn nghệ sĩ phải là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Văn kiện lịch sử này thực sự đã trở thành ngọn cờ tập hợp, tổ chức và cổ vũ hành động đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước vào cuộc chiến đấu phá vỡ xiềng xích của văn hóa phát xít, thực dân, phát huy mạnh mẽ sức mạnh văn hóa tinh thần của toàn dân tộc cho thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Có thể khẳng định Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là là Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, là văn kiện đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng ở Việt Nam, là ngọn cờ tập hợp, cổ vũ giới trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.</span></p>
<p style="text-align: center;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; "> <img class="rao"class="img-responsive" src="/uploads/2023/03/06/1678088348_20230228%20-%20%C4%91c%20v%C4%83n%20h%C3%B3a.jpg" alt="" width="650" /></span></p>
<div style="text-align: center;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021 (Ảnh: Internet)</span></div>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; "> </span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Tiếp nối truyền thống và nhằm phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, tại Đại hội XIII, Đảng ta xác định phải tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, để thực sự là "Nền tảng tinh thần", là "động lực, sức mạnh nội sinh phát triển bền vững" và "Soi đường cho quốc dân đi"… Phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vận hội, vượt qua mọi khó khăn, thách thức đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. Quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt của Đảng ta là: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tối đa nội lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người, là quan trọng nhất".</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quyết tâm chính trị của toàn Đảng toàn dân: "Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn và chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, chúng ta cần tập trung thực hiện thật tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm:</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">1- Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước…, phát huy cao độ những giá trị văn hóa sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">2- Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị quốc gia dân tộc kết hợp nhuần nhuyễn với giá trị truyền thống với giá trị thời đại.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">3- Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, đời sống văn hóa.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">4- Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là Nhân dân. Đề cao phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ tri thức văn nghệ sĩ của những người làm công tác văn hóa.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">5- Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị và văn hóa, về đạo đức, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thực sự là đạo đức là văn minh tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá của con người Việt Nam.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">6- Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi và điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư".</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Trải qua 80 năm kể từ khi ra đời, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã được Đảng ta kế thừa, bổ sung, phát triển, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới. Cho đến nay, Đề cương văn hóa năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị lý luận và tính thời đại sâu sắc, tiếp tục soi đường cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên con đường hội nhập và phát triển./.</span></p>
</div>
</div> |