<p style="text-align: justify;"><em><strong>Hiện nay, với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã khiến cho sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng trở nên gay gắt đặc biệt là cạnh tranh về công nghệ. Vì vậy đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục cải tiến, đổi mới công nghệ để có thể tồn tại và phát triển. Trong giai đoạn hiện nay, việc đổi mới công nghệ là nhiệm vụ hết sức quan trọng và mang tính cấp thiết của các doanh nghiệp, ngành, địa phương và cả nền kinh tế.</strong></em></p>
<p style="text-align: justify;"><em><strong> </strong></em></p>
<p style="text-align: justify;">Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, năng lực công nghệ quyết định sự thành công của đổi mới công nghệ. Mặt khác, trong mối quan hệ giữa đổi mới công nghệ và năng lực đổi mới công nghệ thì đổi mới công nghệ là mục tiêu, năng lực đổi mới là phương tiện để thực hiện mục tiêu. Để phục vụ cho yêu cầu về đổi mới công nghệ, việc xây dựng hệ thống tiêu chí để có công cụ đánh giá, giúp cho việc điều chỉnh, bổ sung và nâng cao năng lực đổi mới phục vụ cho hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và tạo động lực cho phát triển là rất cần thiết. </p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;">Ở Việt Nam, đánh giá công nghệ được xem xét từ những năm 70 và năm 1978, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ KH&CN) đã ban hành hệ thống gồm 30 chỉ tiêu đặc trưng cho trình độ công nghệ sản xuất công nghiệp. Nhưng hoạt động này ít được quan tâm thực hiện. Trong giai đoạn 2014-2018, việc đánh giá trình độ công nghệ sản xuất trong các doanh nghiệp đã được thực hiện theo Thông tư 04/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 8/4/2014 về việc hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất. Từ năm 2019 đến nay, việc đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất được thực hiện theo Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.</p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;">Việc đánh giá trình độ và năng lực công nghệ có vai trò vô cùng quan trọng đối với các cơ quan quản lý của nhà nước cũng như đối với doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, nội dung đánh giá năng lực công nghệ (mức chung) giúp doanh nghiệp biết được số lượng, chủng loại, mức độ hiện đại, khả năng khai thác của các công nghệ chính đang được sử dụng trong ngành, lĩnh vực; biết được doanh nghiệp đang có những công nghệ gì, năng lực công nghệ của doanh nghiệp đang ở mức độ nào, để nâng cao năng lực thì cần đầu tư vào cái gì; biết được tổng quan năng lực công nghệ của ngành và các yếu tố tác động; doanh nghiệp khai thác công nghệ như thế nào, đã hiệu quả hay chưa?.... Đối với việc xây dựng bản đồ công nghệ (mức sâu) của doanh nghiệp giúp doanh nghiệp biết các công nghệ mới và tiên tiến hơn các công nghệ mà doanh nghiệp đang sử dụng là công nghệ gì, ở đâu, đâu là các công nghệ quan trọng và các công nghệ sẽ hỗ trợ̣ cho các sản phẩm ưu tiên trong tương lai; xu hướng phát triển các công nghệ mới và sản phẩm mới trong thời gian tới; các viện, trường có năng lực công nghệ có khả năng hợp tác ở Việt Nam. Còn đối với cơ quan quản lý bộ, ngành, địa phương, nội dung đánh giá năng lực công nghệ (mức chung) giúp cơ quan quản lý bộ, ngành, địa phương biết được tỷ lệ % số lượng công nghệ mà các doanh nghiệp trong nước đang sở hữu, tỷ lệ % số lượng sản phẩm mà các doanh nghiệp trong nước đang sản xuất; biết được năng lực công nghệ của các doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực; biết được tổng quan năng lực công nghệ của ngành và các yếu tố tác động. Đối với nội dung xây dựng bản đồ công nghệ (mức sâu) giúp cơ quan quản lý bộ, ngành, địa phương biết được thị trường và phân khúc thị trường của các sản phẩm, giá trị xuất, nhập khẩu; tốc độ tăng trưởng và tình hình cạnh tranh; số lượng, chủng loại công nghệ, khoảng cách công nghệ so với thế giới; yêu cầu công nghệ đối với các loại sản phẩm; những công nghệ nào là quan trọng để phát triển sản phẩm; các công nghệ cần ưu tiên đầu tư phát triển và các chương trình R&D; các doanh nghiệp, viện trường có năng lực công nghệ cao nhất ở Việt Nam.</p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;">Với ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và vai trò vô cùng quan trọng của việc đánh giá trình độ và năng lực công nghệ đối với doanh nghiệp, ngày 22/7/2022 Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành kế hoạch đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất trên địa bàn tỉnh Kon Tum <em>(</em><em>Kế hoạch số 2356/KH-UBND)</em> với mục đích điều tra, khảo sát, thu thập dữ liệu đánh giá trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đánh giá trình độ công nghệ của các doanh nghiệp và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao năng lực công nghệ của các doanh nghiệp và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh. Đối tượng điều tra là các doanh nghiệp sản xuất thuộc phân ngành cấp 2 hoặc cấp 3 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được phân loại theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Phạm vi thực hiện năm 2020 - 2022<a title="" href="file:///F:/TH%E1%BB%90NG%20K%C3%8A%20KHCN/B%E1%BA%A2N%20TIN,%20T%E1%BA%ACP%20SAN/TAP%20SAN/2022/s%E1%BB%91%203/03%202022/B%C3%A0i%206%20T%E1%BB%89nh%20Kon%20Tum%20tri%E1%BB%83n%20khai%20%C4%91%C3%A1nh%20gi%C3%A1%20tr%C3%ACnh%20%C4%91%E1%BB%99%20v%C3%A0%20n%C4%83ng%20l%E1%BB%B1c%20c%C3%B4ng%20ngh%E1%BB%87%20s%E1%BA%A3n%20xu%E1%BA%A5t%20ng%C3%A0nh%20c%C3%B4ng%20nghi%E1%BB%87p%20ch%E1%BA%BF%20bi%E1%BA%BFn%20tr%C3%AAn%20%C4%91%E1%BB%8Ba%20b%C3%A0n%20t%E1%BB%89nh.doc#_ftn1">[1]</a>. Tiêu chí, phương pháp, quy trình đánh giá theo quy định tại Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN.Nội dung thực hiện: (1) Đánh giá, lựa chọn, lập danh sách doanh nghiệp thuộc đối tượng điều tra, đánh giá để tiến hành khảo sát, đánh giá trình độ năng lực công nghệ sản xuất; (2) Thành lập Tổ điều tra, đánh giá; (3) Xây dựng phương án điều tra, khảo sát thu thập thông tin đánh giá trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp trong danh sách được lựa chọn; (4) Tổ chức tập huấn công tác điều tra; (5)Tổ chức điều tra, tổng hợp, phân tích, đánh giá trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp trong danh sách được lựa chọn và trình độ công nghệ của ngành chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh; (6) Báo cáo kết quả đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo và trình độ công nghệ của ngành chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh; đề xuất giải pháp nâng cao trình độ công nghệ của doanh nghiệp chế biến, chế tạo và ngành chế biến, chế tạo của tỉnh đến năm 2030.</p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;">Triển khai kế hoạch 2356/KH-UBND ngày 22/7/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã ký quyết định thành lập Tổ điều tra, đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất trên địa bàn tỉnh Kon Tum <em>(Quyết định số 105/QĐ-SKHCN ngày 02/8/2022)</em>; Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức tập huấn “Hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất” cho Thành viên của Tổ điều tra, đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất trên địa bàn tỉnh Kon Tum và các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất thuộc phân ngành cấp 2 hoặc cấp 3 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh.</p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;">Tổ điều tra, đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất trên địa bàn tỉnh đã xây dựng phương án điều tra, khảo sát thu thập thông tin, đánh giá trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo Kế hoạch số 2356/KH-UBND ngày 22/7/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum; xây dựng và thông báo nội dung và lịch điều tra trực tiếp tại 36 doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh và hiện đang tiến hành điều tra, đánh giá trình độ và năng lực công nghệ của các doanh nghiệp và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025 làm cơ sở đề xuất giải pháp nâng cao trình độ và năng lực công nghệ của các doanh nghiệp và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2026-2030./.</p>
<p style="text-align: right;">Nguyễn Thị Phượng</p>
<p style="text-align: right;">TP. Quản lý công nghệ</p>
<p style="text-align: justify;"><em>Nguồn: Ấn phẩm Thông tin KH&CN số 3.2022 của Sở KH&CN tỉnh Kon Tum</em></p>
<div> </div> |