<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">(Chinhphu.vn) - Hiện tại, nước ta có 4 nhà sản xuất trong nước đang nghiên cứu sản xuất vaccine COVID-19 gồm: Vabiotech, Polyvac, Ivac và Nanogen. Mỗi nhà sản xuất đi theo hướng khác nhau, nhưng đều cho thấy kết quả bước đầu khả quan. Bộ Y tế rất hoan nghênh các đơn vị đủ điều kiện tham gia nghiên cứu và sản xuất vaccine này.</span></p>
<p style="text-align: center;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; "><img class="rao"src="/uploads/030820_1.jpg" alt="" width="650" height="366" /></span></p>
<p style="text-align: center;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh:VGP/Hiền Minh</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Ngày 22/7, Bộ Y tế tổ chức hội thảo "Triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vaccine COVID-19 tại Việt Nam".</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Cuộc hội thảo này được tổ chức nhằm thống nhất chủ trương, nguyên tắc và kế hoạch triển khai các hoạt động nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng và cấp đăng ký, sử dụng vaccine COVID-19 tại Việt Nam, hoàn thiện Hướng dẫn nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký sử dụng vaccine COVID-19 trong tình trạng y tế khẩn cấp.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, số ca mắc bệnh COVID-19 trên thế giới hiện đã vượt mốc 15 triệu người, trong đó trên 600.000 người tử vong. Đại dịch này chưa có dấu hiệu dừng lại, chưa có nước nào ngăn chặn thành công. Vì vậy việc nghiên cứu sản xuất và làm chủ nguồn cung cấp vaccine phòng bệnh COVID-19 trong nước là hết sức quan trọng.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Việt Nam hiện đang kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên, cách ly xã hội hay giãn cách xã hội chỉ là biện pháp tạm thời để hạn chế số ca lây nhiễm mới và ngăn chặn sự phát triển, bùng phát của đại dịch COVID-19. Tuy còn nhiều điều về virus SARS-CoV-2 mà chúng ta vẫn cần tiếp tục tìm hiểu, nhưng giải pháp hiệu quả nhất để thực sự đẩy lùi dịch bệnh này là vaccine phòng COVID-19.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Việt Nam đã có Hệ thống quản lý chất lượng vaccine (NRA) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, do đó nếu thành công, vaccine COVID-19 trong nước có thể xuất khẩu góp phần phòng đại dịch cho cả các nước trên thế giới.</span></p>
<p style="text-align: center;"><img class="rao"src="/uploads/030820_2.jpg" alt="" width="650" height="366" /></p>
<p style="text-align: center;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hoan nghênh tất cả các đơn vị có đủ điều kiện nghiên cứu và sản xuất trong nước vaccine phòng bệnh COVID-19. Ảnh: VGP/Hiền Minh</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Bà Vũ Hương, Cố vấn kỹ thuật Khu vực, Trung tâm Sáng kiến và tiếp cận vaccine chia sẻ, tính tới ngày 15/7, toàn cầu có 163 ứng viên vaccine COVID-19 đang được nghiên cứu phát triển. Trong đó, 23 vaccine đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người, còn lại 140 ứng viên đang ở giai đoạn tiền lâm sàng. Bà Vũ Hương cũng nhấn mạnh, những nỗ lực toàn cầu trong phát triển vaccine COVID-19 để khống chế đại dịch như hiện nay là chưa từng có tiền lệ về mặt quy mô, công nghệ và tốc độ phát triển vaccine.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Đa số các quốc gia đều có những chính sách tạo điều kiện thúc đẩy nghiên cứu phát triển vaccine này. Các sáng kiến về tiếp cận công bằng vaccine do WHO khởi tạo cũng được đưa ra rất sớm trong khi các nhà nghiên cứu và sản xuất đang gấp rút phát triển vaccine.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Việt Nam hiện có 4 nhà sản xuất trong nước đang nghiên cứu sản xuất vaccine COVID-19 gồm: Vabiotech, Polyvac, Ivac và Nanogen. Mỗi nhà sản xuất đi theo hướng khác nhau, bước đầu đều cho thấy kết quả khả quan.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đang là 1 trong 42 quốc gia có thể sản xuất vaccine. Với dịch bạch hầu ở Tây Nguyên, một số tỉnh miền Trung, Việt Nam hoàn toàn chủ động được việc sản xuất, cung cấp đủ cho nhu cầu của các địa phương.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Tương tự với COVID-19, chúng ta cũng đặt vấn đề sản xuất để bảo đảm an ninh vaccine. Việt Nam cũng là một trong 38 quốc gia có cơ quan quản lý vaccine theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, mở ra cơ hội hợp tác, xuất khẩu vaccine với các nước.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">“Chúng ta kỳ vọng có thể tự chủ được vaccine. Vấn đề là cần thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu để có vaccine COVID-19 cho người Việt Nam, đồng thời có cơ chế đặc biệt để có thể tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới nhanh nhất”, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và sản xuất vaccine COVID-19 trong nước, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế hoan nghênh tất cả các đơn vị có đủ điều kiện nghiên cứu và sản xuất trong nước vaccine này. Đặc biệt, Bộ sẽ ưu tiên những đơn vị có kết quả đi đầu vì thời gian là vấn đề quan trọng trong phòng chống dịch hiện nay. Quyền Bộ trưởng cũng cam kết sẽ tạo điều kiện về vốn cho những đơn vị có kết quả tốt và quy trình sản xuất vaccine theo quy mô công nghiệp.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">“Chúng ta có điều kiện, có chuyên môn tốt, có nhân lực tốt, vì vậy chúng ta hoàn toàn có thể tham vọng sản xuất hàng trăm triệu liều vaccine an toàn để phục vụ người dân và xuất khẩu”, GS.TS. Nguyễn Thanh Long chia sẻ.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Hiện, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cũng đang khẩn trương hoàn thiện rút ngắn quy trình hồ sơ đăng ký, thủ tục đối với việc nghiên cứu sản xuất vaccine phòng chống COVID-19.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Link liên kết:<a href="http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Thuc-day-qua-trinh-nghien-cuu-san-xuat-vaccine-COVID19-trong-nuoc/401496.vgp">http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Thuc-day-qua-trinh-nghien-cuu-san-xuat-vaccine-COVID19-trong-nuoc/401496.vgp</a></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; "> </span></p> |