<p class="description" style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Hạt tiêu thất và tiêu đen của Việt Nam được chưng cất lấy tinh dầu, nghiên cứu tác dụng chống oxy hóa, bệnh gút.</span></p>
<p class="Normal" style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Nhóm nghiên cứu người Việt Nam và Indonesia tại Đại học Hiroshima (Nhật Bản) do PGS Trần Đăng Xuân đứng đầu vừa công bố trên tạp chí sinh hóa quốc tế nổi tiếng <em>Molecules</em> của MDPI ngày 15/5 về tinh dầu tiêu của Việt Nam, có tác dụng chống ôxy hóa mạnh và ức chế bệnh gút. Ngoài ra tinh dầu tiêu còn có tác dụng ức chế sinh trưởng các loài cỏ xâm hại như đơn buốt (Bidens pilosa) và cỏ lồng vực (Echinochloa crus-galli). PGS Xuân cho biết, "tinh dầu tiêu sẽ mang lại nhiều giá trị cao trong ngành y dược, và cả nông nghiệp cho Việt Nam". </span></p>
<p class="Normal" style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Các nhà khoa học đã tiến hành chưng cất tinh dầu từ hạt tiêu thất và tiêu đen, sau đó nghiên cứu các hoạt tính chống ôxy hóa, tác dụng lên hoạt động của enzyme xanthine oxidase, một trong những tác nhân chính gây nên bệnh gút. Tinh dầu tiêu còn có thể ức chế sinh trưởng đối với cây đơn buốt và lồng vực - loại cỏ xâm hại khắp đồng ruộng Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới.</span></p>
<p class="Normal" style="text-align: center;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; "><img class="rao"src="/uploads/2005_1.jpg" alt="" width="750" height="509" /></span></p>
<p class="Normal" style="text-align: center;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">PGS Trần Đăng Xuân (bên phải) và nghiên cứu sinh tại phòng thí nghiệm</span></p>
<p class="Normal" style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">PGS Trần Đăng Xuân cho biết, so với chất chống gút chuẩn hiện đang phổ biến trên thị trường (Allopurinol là 20.45 microgram/ml), tinh dầu tiêu có khả năng ức chế hoạt động của enzyme xanthine oxidase bằng gần 30% so với chất chuẩn (giá trị IC50 lên tới 54.87-77.11 microgram/ml). Tuy nhiên, sử dụng Allopurinol cũng như các thuốc điều trị gút khác thường gây tác dụng phụ lên gan, thận, tim mạch, tuyến giáp...Ngoài ra, cả hai loại tinh dầu tiêu đều ức chế nảy mầm, độ dài rễ và thân của cỏ đơn buốt và lồng vực (giá trị IC50 trong khoảng 1.93-7.21 mg/ml).</span></p>
<p class="Normal" style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Tìm hiểu khả năng ức chế sinh trưởng của cỏ dại, nhóm nghiên cứu phát hiện tinh dầu khiến các sắc tố carotenoids và diệp lục bị suy giảm mạnh, mức độ rò rỉ ion trong tế bào và khả năng ôxy hóa quá mức chất béo trong hai loại cỏ bị tăng mạnh. "Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ức chế phát triển của hai loại cỏ hại này", PGS Xuân nói.</span></p>
<p class="Normal" style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Thành phần hóa học của hai loại tinh dầu tiêu này được nhóm nghiên cứu phân tích bằng phương pháp sắc khí ghép khối phổ GC-MS và sắc khí lỏng ghép dầu dò khối phổ (LC-ESI-MS). Trong mọi thí nghiệm đều cho thấy tinh dầu tiêu thất có tác dụng chống ôxy hóa, ức chế gút, và giảm sinh trưởng cỏ dại đều tốt hơn tiêu đen. Nguyên nhân có lẽ là do các thành phần hóa học chính trong hai loại tinh dầu trên có khác nhau.</span></p>
<p class="Normal" style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Theo PGS Trần Đăng Xuân, các nghiên cứu cho thấy tinh dầu tiêu là nguồn dược liệu quý mà Việt Nam cần tìm hiểu, phân tích kĩ lưỡng, để có thể mang lại giá trị cao hơn cho hạt tiêu Việt Nam. Đặc biệt nếu nhỏ một vài giọt tinh dầu tiêu vào thức ăn hoặc đồ uống, hoặc tiêu sử dụng trong nấu ăn có nhiều tác dụng không ngờ.</span></p>
<p class="Normal" style="text-align: justify;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Các nghiên cứu cũng cho thấy tinh dầu tiêu không mang các tác dụng phụ lên cơ thể như các loại thuốc điều trị gút khác. Tinh dầu tiêu còn có nhiều trong lá tiêu, ông Xuân cho rằng đây là một nguồn dồi dào có thể tái sử dụng nhằm tiêu diệt cỏ xâm hại và cỏ dại trong sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả, giúp giảm dần lượng thuốc diệt cỏ. Ông cho biết nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn như các thí nghiệm lâm sàng trên tinh dầu hồ tiêu, và các hoạt tính sinh học khác.</span></p>
<p class="Normal" style="text-align: right;"><span style="font-family: arial, helvetica, sans-serif; ">Nguồn: VnExpress.net</span></p> |