<p>Từ 11 đến 14-8, đoàn công tác của TPHCM do đồng chí Lê Thanh Hải, UVBCT, Bí thư Thành ủy dẫn đầu đã đi thăm và làm việc tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc và Đắc Nông nhằm đánh giá hiệu quả Chương trình hợp tác đầu tư toàn diện giữa TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên, từ 2006 đến nay. Tham gia đoàn công tác của TPHCM có Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân và lãnh đạo nhiều sở, ngành liên quan. Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Hoàng Quân, UVBCH TƯ Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM về nội dung trên. </p>
<p> <img class="rao" src="/uploads/2016/02/03/1454478932-A.jpg.jpg" alt="" width="320" height="213" align="middle" /></p>
<p><em>- Phóng viên: Sau 3 năm triển khai chương trình hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên, đồng chí nhận định như thế nào về kết quả đã đạt được?</em><br /><br />Chủ tịch LÊ HOÀNG QUÂN: Sau 3 năm hợp tác đầu tư, các doanh nghiệp của TPHCM đã đầu tư vào các tỉnh Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum gần 10.000 tỷ đồng. Tôi cho rằng sự hợp tác giữa TPHCM với các tỉnh Tây Nguyên bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Qua chương trình hợp tác này, TPHCM cùng học tập, trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh bạn và cùng nhau hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật, qua đó hỗ trợ Tây Nguyên phát huy mạnh mẽ nội lực, thế mạnh của khu vực. Lãnh đạo TPHCM đề ra mục tiêu khi ký kết hợp tác đó là làm sao thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của các địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và bước đầu đã có những kết quả nhất định.<br /><br /><em>- Bài học từ thực tế hợp tác đầu tư phát triển giữa TPHCM và các tỉnh khu vực Tây Nguyên là gì, thưa đồng chí?</em><br /><br />Từ 2006 – 2009, các doanh nghiệp của TPHCM đầu tư vào vùng Tây Nguyên với nhiều dự án, và các doanh nghiệp của khu vực Tây Nguyên cũng đã đầu tư lại TPHCM với hàng chục ngàn tỷ đồng. Đây là một con số ấn tượng, cho thấy sự hợp tác đã đạt những kết quả rất tích cực. Qua sơ kết, chúng tôi cũng thấy còn một vài khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình hợp tác kinh tế - xã hội thời gian qua giữa TPHCM và các địa phương khu vực Tây Nguyên. Đó là vấn đề địa lý cách trở, rồi ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Vì vậy, không ít dự án của các nhà đầu tư của TPHCM đã triển khai chậm, hoặc phải điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư. Tuy nhiên, tôi khẳng định sự hợp tác này mang tính chiến lược, lâu dài chứ không phải chỉ làm trong một giai đoạn nào đó rồi kết thúc. Vấn đề hợp tác giữa TPHCM với các địa phương vùng Tây Nguyên là phải làm sao tạo vùng nguyên liệu rộng lớn, phục vụ cho lĩnh vực công nghiệp chế biến, phục vụ cho tiêu dùng nội địa và cho xuất khẩu của TPHCM.<br /><em><br />- Trong giai đoạn tới, chương trình hợp tác phát triển KT-XH giữa TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên có gì mới, thưa đồng chí?</em><br /><br />Bộ Chính trị vừa có kết luận về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đây là một chủ trương hết sức quan trọng và đúng đắn. Do vậy, trong dịp sơ kết này, chúng tôi cùng lãnh đạo của các địa phương yêu cầu các doanh nghiệp của TPHCM cần tăng cường trách nhiệm hợp tác, chuyển giao công nghệ cho các địa phương để từng bước nâng cao chất lượng hàng hóa của bà con nông dân tại chỗ chứ không chỉ hướng về mục tiêu lợi nhuận. Hợp tác ở đây phải nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và hợp tác trên tinh thần hai bên cùng có lợi. Ngoài sự hợp tác về kinh tế, chúng tôi chỉ đạo các sở, ngành hợp tác về văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đó là vấn đề có ý nghĩa lâu dài.<br /> <br />Trong giai đoạn 2010 –2015, chúng tôi đề ra 10 chương trình hợp tác giữa TPHCM với các tỉnh Tây Nguyên, gồm: Xúc tiến đầu tư – thương mại; lĩnh vực công thương; y tế; giáo dục – đào tạo; khoa học – công nghệ; thông tin – truyền thông; văn hóa – thể thao và du lịch; nông – lâm nghiệp; xã hội; ngân hàng. Lãnh đạo TPHCM và lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên sẽ tạo mọi điều kiện, chính sách thông thoáng để thúc đẩy các nhà đầu tư triển khai các dự án một cách thuận lợi, có hiệu quả trong thời gian nhanh nhất, có thể được.<br /><br />Qua 3 năm triển khai chương trình hợp tác, các doanh nghiệp TPHCM đã đầu tư tại tỉnh Gia Lai trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 18 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng. Tỉnh Gia Lai có 2 doanh nghiệp đầu tư 16 dự án tại TPHCM với tổng vốn 16.000 tỷ đồng. Bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hai địa phương đã quan tâm đầu tư trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ, tài chính - ngân hàng, thể thao và du lịch, với những kết quả bước đầu rất khả quan.<br /><br />Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo hai địa phương, việc đầu tư, hợp tác trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai địa phương. Một số dự án đăng ký đầu tư nhưng triển khai còn quá chậm. Vì vậy, Chương trình hợp tác tiếp theo (giai đoạn 2009-2015), cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các sở, ngành ở TPHCM, phải nỗ lực hơn nữa mới thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác đã được ký kết.</p> |